LỜI TOÀ SOẠN:


Tranh chấp tài sản thừa kế trong các gia đình không còn là chuyện hiếm. Sau những tranh chấp ấy, bất kể thắng thua ra sao, tình cảm gia đình cũng không còn được như trước. VietNamNet mở diễn đàn “Chia tài sản thừa kế”. Bài viết chia sẻ của bạn đọc, vui lòng gửi về địa chỉ: bandoisong@vietnamnet.vn

Vừa đoàn tụ lại xảy ra tranh chấp

Với hơn 20 năm trong nghề, luật sư Đinh Thị Quỳnh Như (Đoàn Luật sư TPHCM, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV An Luật) có cơ hội tham gia và chứng kiến nhiều vụ tranh chấp tài sản thừa kế.

Trong số đó, nữ luật sư ấn tượng và xúc động với vụ án tranh chấp tài sản chung do ông bà, cha mẹ ông Nguyễn Văn Nam (60 tuổi, Bến Tre) để lại. 

W-ảnh 6   chia thừa kế.jpg
Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như nhiều lần tham gia và chứng kiến các phiên tòa tranh chấp tài sản thừa kế. Ảnh: Hà Nguyễn

Gia đình ông Nam có 7 anh chị em. Chiến tranh, anh trai ông Nam tập kết ra Bắc, còn 6 người ở lại miền Nam.

Hòa bình, 6 anh em không có bất cứ tin tức nào của anh trai. Cả nhà cứ ngỡ người này đã mất. Tuy nhiên, họ không bỏ cuộc, quyết tâm tìm kiếm với mục tiêu sống phải thấy người chết phải thấy xác.

Và rồi, họ may mắn đoàn tụ với anh trai. Lúc này, anh trai ông Nam đã lập gia đình ở Hà Nội.

Sum vầy chưa bao lâu, 7 anh chị em ông Nam rơi vào “cuộc chiến” tranh chấp tài sản thừa kế là nhà và đất của ông bà, cha mẹ để lại.

Lúc cha mẹ còn sống, ông Nam là người con gần gũi và tận tình phụng dưỡng. Vì vậy, trước khi mất, cha mẹ trăng trối giao căn nhà và đất đai cho ông Nam quản lý để thờ cúng ông bà, tổ tiên. Sáu người còn lại sẽ chia nhau tiền vàng có giá trị gần 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cả hai lần cha mẹ ông Nam hấp hối đều không đủ mặt con cái. Vì thế, anh chị em nghi ngờ ông Nam giả "di chúc miệng". Họ chỉ chấp nhận di chúc có giá trị pháp lý và đòi bán nhà, đất đai để chia đều cho tất cả.

Trong khi đó, ông Nam nhất mực làm theo di nguyện của cha mẹ, có chết cũng phải giữ nhà đất, không chia chác cho bất kỳ ai.

Không tìm được tiếng nói chung, họ liên tục bất hòa, không ít lần phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp.

Không thể ngồi xuống nói chuyện bằng tình cảm, anh em ông Nam quyết định đưa nhau ra tòa. Những phiên tòa kéo dài hơn 6 năm.

Khoảng thời gian đó, mấy anh em cắt đứt liên lạc, không thèm nhìn mặt nhau dù đối diện ở tòa. 

Anh em mất vẫn không hay biết

Hơn 6 năm đằng đẵng, vụ kiện của anh em ông Nam cũng bước vào phiên tòa phúc thẩm cuối cùng. Gặp nhau ở tòa, ông Nam thấy cháu của mình đến tham dự thay anh trai. Ông đến hỏi, mới biết anh trai đã mất 2 năm trước.

Vì tranh chấp tài sản mà họ giận nhau. Để rồi, trong giây phút cần nhất, họ đã không có mặt để tròn câu “nghĩa tử là nghĩa tận”.

Cách kết quả thắng thua chỉ vài chục phút, họ mới dằn lòng, ngồi lại thăm hỏi nhau. Càng hỏi han, họ càng phát hiện không chỉ anh trai đã mất mà không ít biến cố đã xảy đến với con cháu.

“Thấy họ hỏi thăm nhau, thẩm phán cho tạm dừng phiên tòa, nhường phòng xét xử cho họ ngồi lại với nhau. Lúc đó, tôi nghĩ pháp lý nên lùi lại để nhường chỗ cho tình thân lên tiếng”, luật sư Quỳnh Như kể.

ảnh 1   chia thừa kế.jpg

Mải miết theo đuổi vụ kiện, anh em ông Nam không quan tâm đến nhau. Ảnh minh họa: PX

Sau mất mát và tổn thương, các anh em hối hận, mỗi người chấp nhận lùi lại một bước. Vụ kiện kéo dài hơn 6 năm kết thúc bằng con đường hòa giải êm đẹp.

Từ vụ án, luật sư Quỳnh Như nhận định, một vấn đề pháp luật được đưa ra luôn xét đến lý và tình. Đặc biệt, với án tranh chấp tài sản thừa kế, quan hệ giữa các bên là gia đình, người thân thì ngoài lý, tòa án, các bên liên quan phải xét đến tình cảm.

“Dù ai thắng ai thua, tình thân vẫn bị sứt mẻ. Nên khi giải quyết những vụ án tranh chấp di sản thừa kế, quá trình hòa giải rất quan trọng. Đó là cơ hội để các bên ngồi lại thương lượng, thấu hiểu và nhìn vấn đề pháp lý dưới góc độ tình cảm gia đình.

Nếu không thể hòa giải thì khi đưa nhau ra tòa, các thành viên trong gia đình dù thân đến đâu cũng ít có cơ hội nói lời ôn hòa trở lại”, luật sư Quỳnh Như chia sẻ.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.