- Hãy nói về sở thích đọc truyện, tiểu thuyết và sách lịch sử của bạn. Cuốn nào Phương Anh yêu thích?
Sở thích đọc sách của tôi bắt đầu từ nhỏ. Một trong những cuốn đầu tiên tôi đọc là Harry Potter. Tôi thích thể loại sách phiêu lưu và thường hay đọc các tác phẩm như Harry Potter, Twilight, Chúa tể của những chiếc nhẫn, The Hobbit, Eragon.
Gần đây, tôi vừa đọc A court of thorns and roses - đây là series viết về những chuyến phiêu lưu và có yếu tố ảo thuật. Đôi khi bạn bè cũng giới thiệu cho tôi một số sách về lịch sử hoặc những câu chuyện liên quan đến cuộc sống.
Ví dụ, tôi rất thích bộ ba tác phẩm của Yuval Noah Harari gồm Sapiens - Lược sử loài người, Homo Deus và 21 bài học cho thế kỷ 21. Thực ra, tôi mới đọc Sapiens và 21 bài học cho thế kỷ 21, nhưng tôi nghĩ đây là bộ sách mà bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận. Nội dung được tóm tắt và giải thích rất dễ hiểu về lịch sử loài người.
Tôi tin rằng, sau khi đọc xong, chúng ta sẽ có thêm nhiều suy nghĩ và góc nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống. Đây là bộ sách tôi rất muốn giới thiệu đến mọi người.
- Khá thú vị khi biết Phương Anh quan tâm đến những cuốn sách về cách vận hành của não bộ. Chị học được gì từ những cuốn sách này và đã áp dụng trong đời sống, công việc ra sao?
Tôi thích đọc nhiều thể loại, liên quan đến cuộc sống và cách con người vận hành. Đặc biệt, tôi hay đọc về cách vận hành của não bộ. Tôi muốn nhắc đến hai tác giả Malcolm Gladwell và Daniel Kahneman. Daniel Kahneman nổi tiếng với cuốn Thinking, fast and slow, trong đó ông chỉ ra rằng não bộ chia thành hai hệ thống: suy nghĩ nhanh (trực giác) và suy nghĩ chậm (suy luận). Ví dụ, khi hỏi về bảng cửu chương, bạn sẽ trả lời ngay lập tức - đó là suy nghĩ nhanh, còn suy nghĩ chậm là khi bạn phải giải một phép tính phức tạp hơn.
Tôi nhận ra cần cân bằng giữa việc dùng hệ thống 1 để giải quyết nhanh các vấn đề hàng ngày và hệ thống 2 cho các quyết định chiến lược, phức tạp hơn. Việc học ngoại ngữ cũng vậy, cần luyện tập hàng ngày để từ vựng và cấu trúc câu trở thành phản xạ tự nhiên trong suy nghĩ nhanh.
Tác giả thứ hai là Malcolm Gladwell, với các tác phẩm như Blink, Outliers và What the dog saw. Trong Blink, ông khám phá khả năng của não bộ trong việc đưa ra quyết định nhanh dựa trên thông tin tối thiểu, tương tự như suy nghĩ nhanh và trực giác của Kahneman đề cập. Trong nhiều tình huống cần quyết đoán, não bộ dựa vào kinh nghiệm và trực giác để quyết định đúng đắn. Đọc sách giúp tôi hiểu sâu hơn về cách não bộ vận hành, điều này thực sự thú vị.
- Cuốn sách nào đã ảnh hưởng sâu sắc đến Phương Anh?
Tôi muốn đề cập đến một tác giả yêu thích, Alain de Botton, người viết về tình yêu. Quyển The course of love là tác phẩm tôi rất yêu thích. Cách viết đơn giản và dễ hiểu, nói về tình yêu và các mối quan hệ. Một chi tiết tôi nhớ mãi là khi thân thiết với ai đó, như người thân hay người yêu, ta thường có những lúc giận vô cớ.
Ví dụ, sau một ngày bị sếp mắng, ta lại trút bực dọc lên người yêu. Nghe có vẻ không công bằng, nhưng Alain de Botton giải thích rằng điều này xảy ra khi ta cảm thấy thoải mái và yêu quý người đó. Sách giúp tôi có cái nhìn khác về tình yêu và các mối quan hệ.
- Việc đọc sách tiếng Anh thú vị ra sao và có khó khăn gì so với đọc sách tiếng Việt không, theo bạn?
Nếu có thể, tôi sẽ cố gắng đọc sách bằng ngôn ngữ nguyên bản, thường là tiếng Anh. Điều này giúp tôi hiểu ý tác giả một cách chân thực, không qua phiên dịch và tăng vốn từ vựng. Tôi nhận thấy khi đọc tiếng Anh, đặc biệt là sách chuyên môn, thường dễ hiểu hơn vì đã quen học tập và làm việc bằng ngôn ngữ này. Tuy nhiên, đối với thể loại truyện, đôi khi tôi vẫn thích đọc bằng tiếng Việt, vì sự phong phú và cảm xúc trong ngôn ngữ mẹ đẻ mang lại trải nghiệm sâu sắc hơn.
- Đọc sách rất tốt nhưng nhiều người trẻ gặp khó khăn trong việc tạo thói quen lâu dài. Là một người bận rộn, Phương Anh dành thời gian như thế nào và có bí quyết gì để duy trì việc đọc sách?
Duy trì thói quen đọc sách không dễ dàng, đặc biệt khi chúng ta phải đối mặt với nhiều công việc và trách nhiệm. Việc thường xuyên sử dụng điện thoại để cập nhật tin tức và lướt mạng xã hội cũng khiến đọc sách trở nên khó khăn hơn.
Tôi có một số thói quen và bí quyết giúp duy trì việc đọc sách và hỗ trợ quá trình học tập. Thứ nhất, tôi đặt ra những mục tiêu nhỏ và cụ thể. Thay vì cố gắng đọc hết một quyển sách trong thời gian ngắn, tôi chỉ đọc một ít trước khi đi ngủ. Miễn là mỗi ngày đều đọc, việc này sẽ trở thành nề nếp, giống như tập gym - chỉ cần tập một tiếng mỗi lần, nhưng duy trì 3-4 lần mỗi tuần sẽ hình thành thói quen mà không gây áp lực.
Thứ hai, tôi kết hợp việc đọc sách vào hoạt động hàng ngày. Sách phải luôn ở bên cạnh tôi. Trong những khoảng thời gian rảnh, như khi chờ xe hoặc ở phòng khám, thay vì lướt mạng xã hội, tôi sẽ tranh thủ đọc vài trang. Cách này giúp tận dụng thời gian hiệu quả.
Thứ ba, tôi không quá chú trọng việc chọn sách. Có thể tìm những quyển phù hợp với tâm trạng và sở thích, không chạy theo xu hướng đọc sách triết học hay lịch sử. Đọc những gì mình thích là quan trọng nhất.
Cuối cùng, kết nối với cộng đồng đọc sách cũng là cách duy trì thói quen. Tham gia vào các nhóm đọc có thể truyền cảm hứng và giúp tôi khám phá nhiều tựa sách thú vị. Ở Mỹ, có nhiều câu lạc bộ sách, nơi mọi người cùng đọc và thảo luận. Đây là ý tưởng hay có thể áp dụng cho hoạt động cộng đồng của giới trẻ.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/a-hau-viet-nam-phuong-anh-me-doc-sach-ve-cach-van-hanh-cua-nao-bo-2327165.html