Lời toà soạn

Một bác sĩ mồ côi mẹ từ 5 tuổi hiện là tác giả của rất nhiều cuốn sách hấp dẫn. Một bác sĩ có hai bằng Tiến sĩ tại Mỹ luôn tâm nguyện tìm ra những phương pháp giúp người Việt phát triển năng lực và tinh thần mạnh mẽ. Một bác sĩ từng bị trầm cảm nặng, muốn bỏ nghề đã tìm ra phương pháp trị liệu tâm hồn bằng những trang sách. Một bác sĩ vào sinh ra tử nơi chiến trường ác liệt. Mỗi câu chuyện của họ đều có những tình tiết và cách gợi mở riêng, giúp độc giả hiểu sâu về những người thầy thuốc không hề khô khan, lạnh lùng mà luôn đau đáu nỗi niềm nhân sinh. Mời các bạn đón đọc tuyến bài về những bác sĩ viết sách.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nhơn có hai bằng Tiến sĩ tại Mỹ. Ông là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học hành vi, trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Quỹ đầu tư và là Đại sứ của Hội đồng Khai vấn và Cố vấn của Liên minh Châu Âu (EMCC) tại Việt Nam. 

Với tâm nguyện muốn tìm ra những phương pháp giúp người Việt phát triển năng lực và tinh thần mạnh mẽ để hội nhập, Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thành Nhơn đã bắt tay vào viết sách.


LMT_4107.jpg

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thành Nhơn. Ảnh: NVCC

- Là người đảm nhiệm quá nhiều vị trí với khối lượng công việc đồ sộ, động lực nào khiến ông viết cuốn sách đầu tiên "Nhân tố quyết định nên người thành đạt"?

Tôi bắt đầu sự nghiệp của mình là một doanh nhân làm việc trong lĩnh vực tư vấn nên có nhiều trải nghiệm làm việc với con người, nhất là giới tinh hoa xã hội trong và ngoài nước. Từ đây, tôi đã nung nấu đam mê nghiên cứu về con người ở các giai đoạn của cuộc đời.

Lộ trình trang bị kiến thức của tôi cho đam mê đó bắt đầu từ lĩnh vực quản lý và học chuyên sâu về nó ở trình độ tiến sĩ, rồi học tiếp các kỹ thuật về khai vấn và tham vấn ở môi trường quốc tế: Đại học Nam California, Mỹ, ICF, EMCC.  

Tôi nhận ra rằng, con người là nhân tố quyết định thành bại của một tổ chức. Năm 2014, tôi bắt đầu nghiên cứu sâu hơn ở giai đoạn “con người trong khủng hoảng và rối loạn hành vi” với sự hỗ trợ của các giáo sư giỏi quốc tế.

Cuốn sách Những nhân tố quyết định nên người thành đạt ra đời là một phần công trình nghiên cứu của tôi từ năm 2018 đến 2021.

- Hành trình viết sách đã đem lại cho ông những trải nghiệm gì cũng như khó khăn thế nào?

Khi tôi bắt đầu viết cuốn sách này, khái niệm "giá trị cốt lõi" và "năng lực cốt lõi" còn rất xa lạ không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả nơi tôi làm đề tài nghiên cứu là nước Mỹ cũng chưa phổ biến lắm.

Các giáo sư đồng nghiên cứu rất phấn khích với đề tài này và hỏi tôi: Vì sao không mở rộng đối tượng nghiên cứu mà lại giới hạn đối tượng là “cá thể” các quốc gia đang phát triển và đặc biệt là Việt Nam? Tôi dẫn chứng những khó khăn trong việc lấy mẫu nghiên cứu về tính cách con người. Vì con người vốn dĩ rất phức tạp, sự đa dạng và giao thoa văn hóa ngày càng làm cho sự phức tạp đó lên một mức độ mà một công trình nghiên cứu tư nhân khó đủ điều kiện thu thập dữ liệu.

Bên cạnh đó, yếu tố “bối cảnh” trong nhân tố “hệ năng lực cốt lõi” cũng là một thách thức cho người làm nghiên cứu. Mặc dù tôi đã đi và làm việc ở hơn 40 quốc gia trên thế giới nhưng dữ liệu thu thập vẫn hạn chế và có phần chủ quan. Do vậy, tôi không chọn mở rộng đối tượng nghiên cứu.

Khi tôi đặt vấn đề sẽ viết sách, các học trò rất ủng hộ vì có gần 2 năm sinh hoạt cùng nhau về đề tài "giá trị cốt lõi" và "năng lực cốt lõi". Đó là nguồn động viên để tôi bắt tay vào viết, song cũng rất quan ngại việc bạn đọc có dễ dàng đón nhận cách viết theo hướng “sách công cụ” và lời văn có phần nặng về học thuật hay không? Vì bản chất nội dung sách từ nghiên cứu khoa học chứ không phải sách văn học thuần túy. Suy nghĩ rất lâu, tôi xếp lại sự lo ngại sang một bên và bắt tay vào viết.

Thời gian và không gian sáng tác là thử thách nhất với tôi. Mỗi ngày, tôi có thói quen viết ít nhất 10 trang. Khi có dòng tư duy tốt, có thể viết một mạch 50 trang. Không gian rất quan trọng, nó có thể tối đa năng suất viết của một nhà văn. Tôi hay tìm những nơi có không gian xanh và có chút âm thanh nhẹ nhàng của thiên nhiên.

Tôi có bốn việc để làm trong ngày gồm: quản lý, nghiên cứu, gia đình và chăm sóc bản thân. Như vậy, 24 giờ phải cân đối sao cho hài hòa và thật may mắn hơn 30 năm qua, tôi vẫn thu xếp mọi thứ ổn.

Tôi viết vào buổi tối và ngày thứ 7, khi viết phải dành thời gian nghiên cứu lại. Cũng hay, chuyên đề nghiên cứu lại rất gần với các đầu sách tôi viết nên dễ dàng bổ sung cho nhau. Gia đình rất ủng hộ tôi nghiên cứu và viết sách, đó cũng là hạnh phúc.

- Viết sách là hành trình thú vị song sẽ gặp không ít tranh cãi, nhất là những nhận định của bản thân… Ông xác định và chuẩn bị tâm thế khi rơi vào tranh cãi như thế nào?

Vừa rồi có nhà xuất bản đặt hàng tôi viết sách cho thiếu nhi trên nền kiến thức là “năng lực cốt lõi và giá trị cốt lõi”, họ mua bản quyền luôn. Nhưng vì không phải là nhà văn nên từ khi đề cương được nhà xuất bản này duyệt, tôi cứ suy nghĩ không biết giọng văn của mình có phù hợp cho thiếu nhi.

Với Những nhân tố quyết định nên người thành đạt, tôi không nói về bản thân, vì không dám nhận mình là hình mẫu của cuốn sách. Tôi viết dựa vào việc nghiên cứu và mẫu nghiên cứu có giới hạn và cụ thể vùng văn hóa giới lãnh đạo, doanh nhân, người thành đạt ở các quốc gia đang phát triển chứ không lấy mình làm nguyên mẫu.

Do vậy, tôi không ngại ý kiến phê bình và phản biện có khoa học. Hơn nữa, tôi rất cần những phản biện khoa học này để tiếp tục hoàn thiện bộ sách cũng như công trình nghiên cứu.

Xã hội phát triển, việc tranh luận có khoa học các vấn đề mới rất đáng khuyến khích, người làm khoa học càng thu được nhiều giá trị từ phản biện. Dĩ nhiên, người phản biện phải có biện giải chứ không phải cãi nhau hay hỏi cho có rồi bản thân không có lời giải đáp.

- Nếu tất cả những người thành công và thất bại đều viết sách sẽ tạo hiệu ứng gì, thưa ông?

Xã hội sẽ phát triển, văn minh loài người rộng mở hơn vì chúng ta đang sống trong xã hội được tích lũy bởi hàng ngàn năm văn hiến của nhân loại, đúc kết từ sự đúng-sai của bao thế hệ. Vấn đề quan trọng là chất lượng của sản phẩm trước khi ra công chúng phải có quá trình biên tập, thẩm duyệt khoa học chứ không cho ra đời các tác phẩm tùy tiện, không quan tâm ảnh hưởng của nó đến cộng đồng.

Không phải ai cũng có thể viết lại câu chuyện của mình, hay viết một cuốn sách văn học và khoa học. Nhưng với nền kinh tế thị trường phát triển thì dịch vụ viết hộ và phát hành theo thị hiếu hay đơn đặt hàng đang là xu hướng. Do vậy, người đọc phải đối diện với nhiều sự lựa chọn hơn.

Điều tôi có thể chia sẻ với độc giả là hãy đọc một cách khôn ngoan và có định hướng vào điều mình đang cần thay vì theo thị hiếu. Kiến thức sẽ không có giá trị nếu quá hời hợt. Kiến thức chỉ tạo ra giá trị khi có sự tập trung, chuyên sâu và tích lũy một cách bài bản.

- Tương lai, ông có tiếp tục ra mắt những cuốn sách mới? 

Tôi có hai dự án đang thực hiện đó là hoàn thiện bộ sách chuyên về năng lực này. Bộ sách gồm 22 cuốn và tôi đang viết 2 tác phẩm tiếp theo: Năng lực cảm thụ xã hội  Năng lực tương tác xã hội. Sách cũng trích từ công trình nghiên cứu về hệ giá trị cốt lõi và năng lực cốt lõi của tôi. 

Và một dự án cấp quốc tế mang tính ứng dụng cho Việt Nam, tôi đồng nghiên cứu với một số nhà khoa học Trường Nam California là Sức khỏe tâm thần của người lao động, ảnh hưởng thế nào đến năng lao động Việt Nam. Công trình do tôi chủ biên và xuất phát từ vấn đề nan giải của quốc gia là làm thế nào để rút ngắn khoảng cách về năng suất của Việt Nam và các nước trong khu vực. Công trình nghiên cứu theo hướng tiếp cận sức khỏe tâm thần của người lao động.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/bac-si-nguyen-thanh-nhon-viet-sach-giup-nguoi-viet-phat-trien-nang-luc-hoi-nhap-2317871.html