Ngay khi phát hành vào tháng 9/2024, Bí sử Mông Cổ (Tiểu sử Chingis Khaan) đã thu hút sự chú ý từ những bạn đọc yêu thích tác phẩm văn học cổ của thế giới.

“Ngọn đèn thần” soi sáng lịch sử dân tộc Mông Cổ

Theo một số ghi chép, Bí sử Mông Cổ được viết vào thế kỷ 13 sau Công Nguyên và được mệnh danh là “cuốn sách độc nhất vô nhị”.

Năm 1989, UNESCO công nhận Bí sử Mông Cổ di sản văn hóa, nhấn mạnh đây di sản quý báu về lịch sử, văn hóa không chỉ của người Mông Cổ mà của tất cả bộ tộc du mục. Cụ thể, tháng 6/1989, tại cuộc họp lần thứ 131 của Ban chấp hành UNESCO tổ chức tại Paris, một nghị quyết thông qua kỷ niệm 750 năm xuất bản cuốn Bí sử Mông Cổ và kêu gọi các quốc gia thành viên tổ chức hoạt động kỷ niệm sâu rộng về sự kiện này.

UNESCO tin cuốn sách để lại dấu ấn trong lịch sử phát triển văn hóa nhân loại. Truyền thống nghệ thuật, thẩm mỹ cùng ngôn ngữ thiên tài khiến nó không chỉ đại diện cho nền văn học Mông Cổ mà còn là tác phẩm độc đáo trong kho tàng văn học cổ điển thế giới.

z5864846713067_561107f5ab0b3810e3716f6dc8411d92.jpg

“Bí sử Mông Cổ” (Tiểu sử Chingis Khaan) bản tiếng Việt do Sonomish Dashtsevel chuyển ngữ, NXB Khoa học Xã hội ấn hành.

Đây được xem là một trong những cuốn sách có sức sống lâu dài. Giáo sư Sh. Ozawa của Nhật Bản từng nói: “Giống như nguồn nước suối tuôn chảy không bao giờ cạn kiệt, khi nghiên cứu Bí sử Mông Cổ, người ta càng nghiên cứu càng thấy nhiều vấn đề phải được nghiên cứu thêm nữa”.

Thậm chí, rong hơn 100 năm qua, Bí sử Mông Cổ dần phát triển thành môn học quốc tế.

Bí sử Mông Cổ (Tiểu sử Chingis Khaan) bản tiếng Việt do Sonomish Dashtsevel chuyển ngữ, Hoàng Thúy Toàn hiệu đính và NXB Khoa học Xã hội ấn hành. Nhiều độc giả Việt đồng ý đây là tác phẩm kinh điển về lịch sử và văn học sớm nhất còn tồn tại của Mông Cổ, ghi lại quá trình phát triển của dân tộc này với giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu độc đáo. Ngoài ra, đúng như tên gọi, Bí sử Mông Cổ ẩn chứa nhiều bí ẩn khó giải đáp.

Theo ý kiến của các học giả, cuộc đời Chingis Khaan - vị anh hùng dân tộc, người đã tạo nên đất nước Mông Cổ vĩ đại, thống nhất nhiều dân tộc Âu - Á, được kể lại trọn vẹn, gần với sự thật hơn cả trong tác phẩm.

Một số nhà sử học chỉ ra, Bí sử Mông Cổ có kết cấu tường thuật táo bạo, hình thức văn học phức tạp và toàn diện, lối ngôn từ uyển chuyển mượt mà, sử dụng phép ẩn dụ không hề trau chuốt, tất cả đều phản ánh chân dung người du mục - thợ săn trên đồng cỏ. Bí sử Mông Cổ cho thấy vẻ đẹp sức mạnh khi một quốc gia trỗi dậy nhanh chóng. Sự va chạm, hội nhập lâu dài của nền văn minh nông nghiệp cổ đại với nền văn minh săn bắn và du mục là chìa khóa giải thích lịch sử nhiều dân tộc.

Cuốn sách chứa đựng số lượng lớn thần thoại, truyền thuyết, truyện kể, thơ ca, tục ngữ… của người Mông Cổ và nhiều dân tộc ở Trung Á được lưu truyền và phát triển từ xa xưa, tạo nên tính độc đáo, hiếm có về mặt thẩm mỹ.

Bí ẩn muôn thuở về tác giả 

Sau khi Bí sử Mông Cổ được viết ra, tác giả không ký tên (không rõ lý do) và không có thông tin liên quan nào được lưu giữ trong tài liệu lịch sử các triều đại. Điều này khiến nhiều chuyên gia trong và ngoài nước phải xác minh tác giả.

Theo lời người phiên dịch trích trong Bí sử Mông Cổ (Tiểu sử Chingis Khaan), nhiều nhà nghiên cứu cho rằng người biên soạn là Shikhi Khutugtu, một người ghi chép mọi sự kiện trong triều đình tuân theo chiếu chỉ của Đại Khaan.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/bi-su-mong-co-tuong-dai-cua-van-hoc-co-xua-2325862.html