Chia sẻ cùng VietNamNet, Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho biết: "Tổng tập nhà văn quân đội là thành quả từ sự nỗ lực không ngừng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đây là một bộ sách lớn, đã có tiền thân từ trước nhưng chưa hoàn thiện. Lần này, chúng tôi tiến hành bổ sung, chỉnh lý và hiệu đính kỹ lưỡng để đảm bảo tính trọn vẹn, chính xác.

Bộ sách bao gồm 5 tập với gần 5.000 trang in, khắc họa chân dung 366 nhà văn quân đội tiêu biểu. Nội dung mỗi tập không chỉ dừng ở tiểu sử và hình ảnh tác giả mà còn có các phát biểu, bài viết cùng tác phẩm nổi bật. Với thơ, mỗi người được chọn 4 - 5 bài; còn với tiểu thuyết và truyện ngắn là một số đoạn trích đặc sắc. Nếu làm đầy đủ, bộ sách có thể dài gấp đôi, lên đến 10 tập.

Công trình này được thực hiện qua nhiều năm, kế thừa từ những nguồn tư liệu trước đây nhưng được bổ sung và chọn lọc rất kỹ. Theo GS Đinh Xuân Dũng, chỉ riêng các tác phẩm của nhà văn quân đội nếu xếp lại có thể dài hàng cây số".

W-HAI_5389.jpg
Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhận Giải A cho bộ sách "Tổng tập nhà văn quân đội". Ảnh: Phạm Hải

Các tác giả nổi tiếng như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi cũng được đưa vào tổng tập. Từ hơn 600 nhà văn được ghi nhận, tổ biên soạn chọn ra 366 người dựa trên thành tựu và đóng góp nổi bật. Các tác giả đang tại ngũ cũng nhận được sự ưu tiên nhất định, như một cách khuyến khích và ghi nhận những sáng tác đang tiếp nối dòng chảy văn học quân đội.

W-Bìa sách nhà văn quân đội.jpg

"Tổng tập nhà văn quân đội" không chỉ là một tài liệu lưu trữ quý giá mà còn mang ý nghĩa lịch sử và văn hóa sâu sắc, góp phần khẳng định vị thế của văn học quân đội trong dòng chảy văn học Việt Nam. Ảnh: Linh Đan

Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, nếu cần tìm hình ảnh đầy đủ nhất, cụ thể nhất, tinh tế, sâu sắc nhất thì không đâu hơn là tìm kiếm trong những trang sáng tác văn học của các nhà văn quân đội. Từ hình ảnh mộc mạc chất phác nhưng không kém vẻ hào hoa lãng mạn của anh Vệ quốc đoàn áo trấn thủ, tới hình ảnh uy nghi, lẫm liệt của anh Giải phóng quân miền Nam, của người lính miền Bắc xã hội chủ nghĩa, và giờ đây, trong một thể thống nhất tuyệt đối, của anh Bộ đội Cụ Hồ, tất thảy đều hành quân qua những con chữ của các nhà văn mặc áo lính.

"Lịch sử sáng tác của các nhà văn quân đội chính là lịch sử tâm hồn người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Lịch sử ấy được ghi chép, được khắc họa bởi tinh thần trách nhiệm, và trên hết, bởi tài năng xuất sắc của đội ngũ nghệ sĩ - chiến sĩ, những người luôn đặt sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc lên trên nhu cầu sáng tạo cá nhân. Vì sự nghiệp chung, những nghệ sĩ - chiến sĩ ấy thanh thản vào trận, sẵn sàng chấp nhận hy sinh cả tính mạng mình, để rồi từ trong thực tiền khốc liệt đã trích xuất ra, đã cố định lại bằng văn học cho thế hệ sau những nét cao đẹp nhất của người chiến binh thời đại Hồ Chí Minh", nhà văn Nguyễn Bình Phương viết trong lời nói đầu bộ sách.

"Điều đáng quý là trong quá trình chọn lọc, những người thực hiện hầu như không gặp phải sự bất đồng ý kiến. Bộ sách này cũng là món quà ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Việc bộ sách được trao Giải A Giải thưởng Sách quốc gia đúng vào dịp này càng làm tăng thêm niềm tự hào và giá trị của nó", vị Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhấn mạnh.

Giải thưởng Sách Quốc gia trao cho những cuốn sách, bộ sách có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, các nhà khoa học và những người làm công tác xuất bản, góp phần phát hiện, lưu giữ, quảng bá những tác phẩm giá trị cao đến đông đảo bạn đọc, thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển đúng định hướng.

Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 có sự tham gia của 51/57 nhà xuất bản với 372 tên sách dự giải. So với năm trước, số lượng sách dự giải đã tăng 25%, số đơn vị tham gia tăng 20%. Hội đồng chung khảo đã quyết định trao 59 giải thưởng cho 58 đầu sách gồm 03 giải A, 10 giải B, 21 giải C, 21 giải Khuyến khích và 04 giải Sách được bạn đọc yêu thích.

3 tác phẩm đạt giải A Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7: Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) (2 tập, tác giả: Nguyễn Đình Tư, NXB Tổng hợp TPHCM); tác phẩm Cẩm nang chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa (tác giả: PGS.TS.BS. Đào Xuân Cơ chủ biên, NXB Y học); Tổng tập Nhà văn quân đội - Kỷ yếu - Tác phẩm (5 tập, tác giả: Tạp chí Văn nghệ Quân đội - NXB Văn học).