Từng giữ vị trí quản lý một công ty tại Hà Nội, LêNa đưa ra quyết định… nghỉ việc. Lý do của cô rất sáng rõ: nghỉ công việc hiện tại để theo đuổi ước mơ trở thành họa sĩ bấy lâu.
Họa sĩ LêNa Nguyễn (phải) và tác giả Quỳnh Hương (Hũ). Ảnh: NVCC. |
Mùa đông Hà Nội được đưa vào trang sách Dáng hình của đêm qua nét vẽ nhẹ nhàng, lời thơ dung dị, nhắc nhở mỗi người biết trân quý những hạnh phúc bình dị đời thường.
"Khởi nghiệp" sáng tác sách tranh ở tuổi 35
Đây là màn "chào sân" với công việc sáng tác sách thiếu nhi của họa sĩ LêNa Nguyễn - người đã quyết định nghỉ công việc văn phòng ổn định ở tuổi 35 để theo đuổi ước mong bấy lâu là làm sách cho trẻ nhỏ.
LêNa Nguyễn sinh ra ở Nghệ An, sau đó học tập và sinh sống tại Hà Nội. Trước khi trở thành họa sĩ minh họa, cô từng giữ vị trí quản lý một công ty tại thủ đô - công việc yêu cầu LêNa phải giao tiếp thường xuyên, phần nào khiến cô áp lực. Một ngày cuối năm tuổi 35, sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, ngồi trước ô cửa sổ phòng làm việc của mình, LêNa đưa ra quyết định… nghỉ việc. Lý do của LêNa rất sáng rõ: nghỉ công việc hiện tại để theo đuổi ước mơ trở thành họa sĩ bấy lâu, dù lúc ấy cô chưa biết mình sẽ thực hiện điều này như thế nào.
Có một điều được truyền tai trong giới minh họa sách thiếu nhi: “Muốn biết một người có năng khiếu bẩm sinh để vẽ minh họa cho thiếu nhi hay không, hãy nhìn cách mà họ vẽ trẻ con”. Thật vậy, nếu nhìn từng biểu cảm, hành động, cảm xúc của trẻ em trong sách tranh mà LêNa Nguyễn minh họa, khó mà phủ nhận rằng công việc này dường như sinh ra để dành cho cô.
Trẻ em trong thế giới tranh của LêNa Nguyễn luôn ánh lên nét hồn nhiên, tinh nghịch và đầy tò mò trong nơi chốn mình thuộc về. Không chỉ trẻ con, mà đúng hơn là “con người” thông qua nét vẽ của LêNa luôn khiến cho độc giả cảm thấy tràn đầy năng lượng. Chính năng lượng ấy khiến trang sách như mở ra cánh cửa đến những thế giới kỳ diệu khác nhau, dù độc giả đang ngồi ở bất cứ nơi đâu.
Không dễ để “xem” hết những điều mà LêNa Nguyễn “giấu” trong tranh ngay từ lần đầu tiên. Hệt như trẻ con, cô thích mời độc giả chơi “trốn tìm”. Mỗi chi tiết ở trang sách này sẽ được hé lộ trong trang sách tiếp theo. Dáng hình của đêm cũng vậy, cuốn sách khiến mọi người chậm lại, để nhìn ra được những bất ngờ thú vị, để tự hỏi mình “có bao giờ quên mất những điều giản dị nhưng quý giá của cuộc sống này?”.
Sách Dáng hình của đêm. |
Đọc sách để thấy "Thành phố dịu dàng hơn"
Tác phẩm sách tranh Dáng hình của đêm là lát cắt đời sống bình dị, ấm áp của một gia đình nhỏ ở Hà Nội. Không chỉ gần gũi với trẻ em nhờ ngôn ngữ thơ trong sáng, gần gũi, cuốn sách còn ẩn giấu một câu chuyện có thể được đọc riêng qua phần hình ảnh. Họa sĩ LêNa Nguyễn đã khéo léo đan cài trong từng khung tranh những chi tiết nhỏ, tạo thành một mạch nối câu chuyện xuyên suốt.
Lần theo những dấu hiệu này, độc giả như được dự phần vào cuộc đi dạo nhìn ngắm phố phường Hà Nội từ chiều muộn đến tối khuya. Ở đó hiện lên những điểm đặc trưng ở thủ đô: "Lấp lánh nước Hồ Tây", những góc phố, những hàng quán vỉa hè, gánh hàng hoa, hiệu sách nhỏ, xe buýt giờ tan tầm… Câu chuyện theo chân một gia đình nhỏ trên đường về nhà từ những ngả khác nhau, sau một ngày dài bận rộn việc học, việc làm.
Đặc biệt, góc nhìn, hay người kể chuyện của cuốn sách cũng là một câu đố thú vị dành cho bạn đọc. Tập sách gồm hai trang gập có thể mở rộng, vừa là ngụ ý kể chuyện của tác giả và họa sĩ, vừa tạo ra tương tác để khơi gợi độc giả nhí.
Đọc sách để thấy "Thành phố dịu dàng hơn", để trả lời được câu hỏi "Bao niềm vui thật thà/Có bao giờ cậu thấy". Dáng hình của đêm đã đưa Hà Nội mùa đông vào trang sách mà không chút lạnh lẽo, thay vào đó lại ấm áp như ánh đèn tỏa rạng ở góc phố giữa màn đêm, ấp ôm tâm hồn trẻ thơ và cả những người lớn cần được làm trẻ thơ.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/bo-viec-quan-ly-on-dinh-de-chuyen-tam-ve-sach-tranh-2360282.html