Nhã Nam và tác giả Huỳnh Mai Liên vừa tổ chức ra mắt tập thơ Bay qua hồ Gươm.

Tác phẩm dệt nên bức tranh ký hoạ về Hà Nội đa sắc màu, vừa cổ kính, hiện đại, vừa quen thuộc và đầy bí ẩn, bằng 54 bài thơ trong trẻo và tình cảm. Trái tim yêu thương của người mẹ và đôi mắt tinh tường của nhà báo giúp các bài thơ đạt tới sự cân bằng tinh tế giữa cảm xúc và quan sát, khiến một đề tài lớn và quen thuộc trong thơ - ca - nhạc - họa như Hà Nội, được sống động trở lại qua những lời tâm tình tha thiết của Huỳnh Mai Liên. 

461496761_10160774971517852_6164588356172773076_n.jpeg
Tác giả Huỳnh Mai Liên và tập thơ "Bay qua hồ Gươm". 

Tác giả Huỳnh Mai Liên chia sẻ, năm nay kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, nên băn khoăn không biết viết gì cho Hà Nội yêu dấu. Những suy nghĩ thúc đẩy chị phải tạm gác cuốn sách khác để hình thành tập thơ này.

"Gác lại nhiều dự án khác, tôi tập trung cao độ cho Bay qua hồ Gươm bằng tất cả tình yêu và sự trân trọng, cảm ơn Hà Nội đã cưu mang tôi suốt hơn 30 năm qua", Huỳnh Mai Liên tâm sự.

Nhà thơ Thụy Anh xúc động khi cầm bản thảo tập thơ Bay qua hồ Gươm. Bởi lẽ, thơ là một phần nhưng tấm lòng người làm thơ gửi gắm tới Hà Nội, tấm lòng của người mẹ muốn con cũng yêu Thủ đô như mình, mới là điều quan trọng.

"Cảm ơn chị Mai Liên vì những câu chuyện thủ thỉ với con mỗi ngày, mang lại cho cá nhân tôi những gì ấm áp của Hà Nội. Các bài thơ của chị đã cho tôi tìm lại những góc yên bình của Hà Nội xưa", nhà thơ Thụy Anh bày tỏ.

mailien2.jpg




Nhà báo Tạ Bích Loan (phải) phát biểu tại lễ ra mắt sách. 

Tại lễ ra mắt sách, nhà báo Tạ Bích Loan khẳng định tập thơ là món quà đặc biệt dành tặng Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

"Tôi nghĩ khi đọc cuốn sách, chúng ta có những lợi ích cho bản thân và các con. Bởi lẽ, chúng ta sẽ có những hình tượng, hình ảnh mới lạ, điều này cần thiết cho người làm công việc sáng tạo nói chung và trẻ nhỏ, vì chúng đang trong quá trình khám phá thế giới xung quanh", nhà báo Tạ Bích Loan khẳng định.

Tập thơ Bay qua hồ Gươm có ngôn từ trong sáng và gần gũi với thế giới của các em: “Thành phố đông dân lắm/Tận hơn tám triệu người/Chỉ một đứa con nít/Làm sao hoà nụ cười".

Ngôn từ giản dị và tha thiết tình cảm đó không chỉ giúp trẻ em dễ dàng tiếp cận và yêu mến Hà Nội mà còn nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước trong tâm hồn ngây thơ: “Ông Cột cờ Hà Nội/Ngắm đoàn khách thiếu nhi/Đoán tụi trẻ nghĩ gì/Khi thấy mình cũ kỹ”.

Mỗi vần thơ giống như lời thủ thỉ ngọt ngào của người mẹ, kể cho con về thành phố nơi chúng lớn lên. Từ những con phố cổ rêu phong đến các tòa nhà chọc trời hiện đại, từ mặt hồ Gươm lấp lánh đến những hàng cây xanh mát, tất cả hiện lên sống động qua ngôn ngữ giàu hình ảnh.

Tác giả “hóa thân” vào nhiều nhân vật xung quanh: khi là chú chim sẻ líu lo, khi là cụ rùa già kể chuyện, có khi là cột cờ Hà Nội thầm thì với gió mây. Qua đó, người mẹ đưa em vào cuộc phiêu lưu kỳ thú, khám phá Hà Nội từ nhiều góc nhìn và cảnh sắc thân quen.

mailien3.jpg
Nhà thơ Thuỵ Anh (phải) chia sẻ tại lễ ra mắt sách.

Bay qua Hồ Gươm không chỉ là bức tranh thơ về cảnh quan Hà Nội mà còn là những ký họa về cuộc sống và con người nơi đây. Huỳnh Mai Liên khéo léo đưa vào tầm mắt trẻ thơ hình ảnh người lao động tảo tần, nghệ nhân phố cổ - những người góp phần tạo nên linh hồn của Hà Nội ngàn năm văn hiến: "Chú nghệ nhân làng nghề/ Ngồi im trước bàn gỗ/ Dáng lưng gầy bóng đổ/ Ngón tay đưa nhịp nhàng".

Qua những vần thơ này, các em không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nghề truyền thống, mà còn học bài học về sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và lòng đam mê với nghề nghiệp. Tập thơ như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng rằng Hà Nội không chỉ đẹp ở cảnh quan mà còn đẹp ở những con người đang ngày đêm lao động, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô. .

Tác phẩm được minh họa bởi các nét vẽ của Mai Khuê, con gái tác giả Huỳnh Mai Liên. Dù còn nhỏ, Mai Khuê đã thể hiện tài năng ở nhiều lĩnh vực, từng giành giải Xuất sắc trong giải thưởng Sáng tác truyện đồng thoại lần thứ hai với truyện Bướm lá.

Ảnh: Đình Thế

Huỳnh Mai Liên hiện làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam, là tác giả của nhiều bài thơ trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3, 4, 5.

Các tác phẩm thơ của Huỳnh Mai Liên đã xuất bản: Ngày xưa của con, Biển là trẻ con, Nhà mình vui nhất và truyện tranh Mẹ yêu ai nhất.