Lời toà soạn:

Đà phục hồi tăng trưởng kinh tế của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2024 đã thể hiện rõ nét khi GDP quý II đạt gần 7%, đưa GDP nửa đầu năm đạt mức tăng 6,42%. Góp chung vào quá trình phục hồi đó là sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều địa phương, trong đó có câu chuyện bứt phá của Khánh Hoà sau 2 năm lao đao vì Covid-19. Những thay đổi về tư duy và hành động, cùng khả năng nắm bắt xu hướng 'xanh' đã tạo nên con số tăng trưởng đi cùng nhiều điều mới mẻ của địa phương này.

Tuyến bài "Khánh Hoà làm mới các động lực tăng trưởng" được VietNamNet thực hiện mô tả hành trình vượt khó vươn lên và đón đầu xu thế của địa phương này.

Đầy ắp đơn hàng

Những ngày này, cả 4 dây chuyền may với hơn 1.000 công nhân tại xí nghiệp may Khatoco tất bật hoàn thiện những sản phẩm quần áo thời trang để kịp trả đơn hàng cho khách nội địa và quốc tế.

Đây là điều mà ông Trần Minh Quang - Phụ trách Hội đồng thành viên của Khatoco khó có thể thấy trong 3 năm vừa qua.

Ông Quang tiết lộ: Không chỉ may mặc mà tất cả lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp đều phục hồi tốt và đang chuyển dần sang hướng sản xuất xanh theo xu thế của thế giới.

Ngành may mặc đã phải trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn, có thời điểm hoạt động sản xuất gần như “đóng băng”, đơn hàng sụt giảm mạnh. Hậu Covid-19, lạm phát xảy ra trên toàn cầu, cùng với đó là xung đột địa chính trị... khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, ngành may mặc bị ảnh hưởng nặng, thiếu đơn hàng.

Nhưng, kể từ đầu năm nay, thị trường phục hồi, đơn giá gia công cũng tăng giúp hoạt động kinh doanh của công ty tăng trưởng tốt. Chỉ 6 tháng đã đạt 66% kế hoạch đề ra cho cả năm. Đặc biệt, ở mảng xuất khẩu, thị trường phục hồi mạnh, đơn hàng ngày càng nhiều. 

W-det may.jpg
Đơn hàng sản xuất đã ký của Khatoco đầy ắp đến quý I năm 2025. Ảnh: Xuân Ngọc

Khatoco đã ký được các đơn hàng với sản lượng đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất đến quý I/2025, giá gia công tăng từ 5-10% so với thời điểm đầu năm nay.

“Chúng tôi đang tiếp tục đàm phán ký những hợp đồng mới, đồng thời xây dựng thương hiệu thời trang cao cấp gắn liền với vịnh Nha Trang. Mục tiêu biến Nha Trang thành thành phố thời trang trong tương lai”, ông kỳ vọng. 

Đại diện Khatoco cho rằng khó khăn và thách thức lúc nào cũng có, quan trọng là nắm bắt được cơ hội để phục hồi và trở lại đường đua tăng trưởng. Ví như, hiện tại, do xu hướng tiêu dùng thay đổi, công ty đã chuyển dịch từ sản phẩm phân khúc giá rẻ sang đẩy mạnh làm hàng chất lượng tốt giá cao. 

“Nghe có vẻ nghịch lý. Song, khi người dân thắt chặt chi tiêu, họ lại tìm đến và mua sản phẩm tốt, độ bền cao. Thế nên, hàng chất lượng cao giá 400.000-500.000 đồng/sản phẩm bán được nhiều hơn so với hàng phân khúc 100.000-200.000 đồng”, ông chia sẻ.

Khatoco
Ông Trần Minh Quang - Phụ trách Hội đồng thành viên của Khatoco. Ảnh: Xuân Ngọc

Câu chuyện của Khatoco là một dẫn chứng sinh động cho quá trình phục hồi kinh tế ấn tượng của tỉnh Khánh Hoà thời gian gần đây.

Ở lĩnh vực du lịch, khi nói về lượng khách, ông Trần Minh Đức - Giám đốc Công ty CP du lịch Long Phú - khoe: “Tăng mạnh rồi!”. Ông nhận xét, năm ngoái khách du lịch đã tăng trưởng rất tốt. 6 tháng đầu năm nay, lượng khách tiếp tục tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trò chuyện với PV tại đảo Hoa Lan ở xã Ninh Phú (Ninh Hòa, Khánh Hòa) - nơi công ty đang vận hành và khai thác du lịch, ông Đức giới thiệu đây là khu du lịch sinh thái - loại hình du lịch xanh thuận tự nhiên khá kén khách. Thế nhưng, trung bình mỗi ngày đảo đón từ 800-1.000 khách ghé qua trải nghiệm các dịch vụ và lưu trú. 

“Không chỉ phục hồi mà xu hướng khách du lịch đến với đảo Hoa Lan cũng tăng mạnh theo từng năm; trong đó, có một lượng rất lớn khách nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nga... ”, ông cho hay.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch thông tin, lượt khách lưu trú trong 6 tháng đầu năm nay tại địa phương đạt gần 5,2 triệu, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách nội địa ước đạt 2,8 triệu lượt, tăng 40%; khách quốc tế đạt gần 2,4 triệu lượt, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu đạt hơn 26.072 tỷ đồng, tăng 97% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với lợi thế du lịch biển, Khánh Hòa kỳ vọng sẽ thu hút một lượng lớn khách đến du lịch, nghỉ dưỡng trong mùa hè, sớm hoàn thành chỉ tiêu đón 9 triệu lượt khách lưu trú trong năm 2024.

Trở lại đường đua sau 2 năm lao dốc

Trước đó, chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, năm 2020 lần đầu tiên kinh tế Khánh Hoà ghi nhận mức tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) âm 10,5% và năm 2021 tiếp tục âm 5,58%.


Nhờ có những giải pháp linh hoạt, chủ động và quyết liệt, GRDP của tỉnh đã phục hồi ấn tượng, trở lại đường đua tăng trưởng ngoạn mục và thường xuyên được xếp vào top đầu cả nước. 

Năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, Khánh Hòa đạt mức tăng trưởng GRDP 10,35%, đứng thứ 4 cả nước. Trong 6 tháng đầu năm nay, GRDP của tỉnh ước tăng 12,73% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 2 cả nước với loạt con số ấn tượng. 

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 46%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 62.585 tỷ đồng, tăng 15,2%; doanh thu du lịch tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, khách quốc tế lưu trú tại Khánh Hòa tăng 3,3 lần; kim ngạch xuất khẩu 6 tháng của tỉnh dự kiến đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 17%... 

W-thuy san 1.jpg
Sau Covid-19, Khánh Hòa nhận ra bài học cần đa dạng các mục tiêu tăng trưởng thay vì phụ thuộc quá nhiều vào du lịch. Ảnh: Xuân Ngọc

Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: Sau Covid-19, mọi thứ ở Khánh Hoà, đặc biệt là ở Nha Trang đều thay đổi. Khách trong nước ít hơn so với trước dịch nhưng thu nhập của ngành dịch vụ lại cao. Khách Hàn Quốc sang nhiều, mức độ tiêu dùng tốt và rất văn minh.  

“Việc khánh thành đoạn cuối cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo nối thông cao tốc từ TP.HCM đến Nha Trang, rút ngắn thời gian di chuyển chỉ còn 4,5 giờ, nên khách đổ về đây nhiều hơn”, ông cho hay. 

Trong khi đó, đường bay Incheon (Hàn Quốc) - Cam Ranh (Khánh Hoà) có hơn 20 chuyến mỗi ngày không chỉ thu hút khách Hàn Quốc mà cả khách Mỹ vì Incheon là điểm trung chuyển quốc tế lớn. 

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi về cách nghĩ và cách làm, rất lâu tỉnh Khánh Hoà chưa dành sự quan tâm đúng mức đến phát triển công nghiệp. 

Ông Nhân chỉ rõ, do có lợi thế biển đẹp, khí hậu ôn hòa nên Khánh Hòa tập trung phát triển du lịch. Theo đó, du lịch bùng nổ, khách sạn 5 sao dẫn đầu cả nước về số phòng. Đó là điều tốt nhưng cũng không tốt. 

Bởi, đại dịch Covid-19 đi qua, nền kinh tế địa phương trở nên bất ổn vì mất cân đối. Du lịch bị ảnh hưởng bởi các biến động bên ngoài trong khi tỉnh không còn ngành nào có thể đủ khả năng bù đắp được cho sự sụt giảm của lượng khách. 

Nhìn lại bài học này, ban lãnh đạo của Khánh Hòa nhận ra rằng phải cân bằng lại nền kinh tế. Du lịch vẫn duy trì nhưng cần có thêm các sản phẩm đặc sắc. Cụ thể, thu hút mạnh trong lĩnh vực văn hoá, chăm sóc sức khỏe và điều trị chuyên sâu để du khách đến đây vừa du lịch, vừa sử dụng các dịch vụ nghỉ dưỡng, dịch vụ thẩm mỹ... Khi có nhiều dịch vụ tốt, chất lượng du lịch sẽ đi lên và bền vững.

W-chau ngo anh nhan 1.jpg
Với định hướng của tỉnh, ông Châu Ngô Anh Nhân cho rằng, trong 2 năm tới Khánh Hoà sẽ phát triển mạnh về công nghiệp. Ảnh: Xuân Ngọc

Còn về văn hoá, tỉnh cũng đầu tư một trung tâm thể thao ở đại lộ Võ Nguyên Giáp đủ tầm để thu hút được các giải lớn quốc tế; đầu tư các bảo tàng, các nền tảng về văn hoá xã hội nhằm tạo thêm chỗ vui chơi cho khách. Bởi hiện nay du khách đến Khánh Hoà mới chỉ "ngủ nghỉ và tắm biển".

Với công nghiệp, ông Nhân cho biết, theo quy hoạch tỉnh, Vân Phong có khoảng 8-10 khu công nghiệp lớn, tập trung chính ở Nam Vân Phong - Ninh Hòa; Cam Ranh có 2 khu công nghiệp. Động lực tăng trưởng từ công nghiệp sẽ tạo thêm nền tảng để Khánh Hoà phát triển kinh tế, thay vì chỉ tập trung vào du lịch. Việc nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 đi vào hoạt động năm ngoái cũng đóng góp lớn cho chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh. 

Bên cạnh đó, trong năm 2023 tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh 37 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 150.000 tỷ đồng; còn 6 tháng đầu năm 2024 Khánh Hoà cấp mới và điều chỉnh 17 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng. Điều này cũng tạo thêm lực đẩy cho tăng trưởng GRDP của Khánh Hoà. Việc thu hồi các dự án chậm tiến độ thời gian qua cũng thúc đẩy các dự án đang triển khai sớm về đích để phát huy hiệu quả, đón đầu làn sóng du lịch mới đang tăng cao.

Trước xu thế Net Zero, Khánh Hoà cũng xác định ngay từ trong quá trình thu hút đầu tư là sẽ hướng tới khu công nghiệp xanh.

“Chúng tôi cũng xác định phải đồng hành với doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp đi xúc tiến thương mại, ký kết giao thương. Chuyến đi thu hút xúc tiến đầu tư tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc vừa qua, các chủ đầu tư khu công nghiệp cũng đi cùng để giới thiệu lợi thế của mình”, lãnh đạo Sở KH-ĐT chia sẻ và hy vọng trong 2 năm tới, Khánh Hoà sẽ phát triển mạnh về công nghiệp, tạo thế cân bằng hơn trong phát triển kinh tế.

Nhìn lại quá trình hoạt động của doanh nghiệp gắn với "xanh hoá", đại diện Khatoco cho biết: Doanh nghiệp cũng linh hoạt trong sản xuất, đẩy mạnh tìm kiếm và phát triển thị trường mới nhằm cân bằng, giảm phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Đặc biệt, trong xu hướng toàn cầu dần chuyển dịch sang xanh và bền vững, công ty xanh hoá quá trình sản xuất thông qua việc tăng cường đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại; ưu tiên sử dụng năng lượng xanh, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung...

Nguyên vật liệu đầu vào cũng được xanh hoá. Ngoài sản phẩm nguồn gốc từ thiên nhiên như vải sợi tre, sợi bông, vải sợi từ bột gỗ..., gần đây, công ty còn tiên phong ra mắt dòng sản phẩm được làm từ sợi sen, vải sợi bạc hà và vải sợi cà phê.

Hiện nay, EU và Mỹ có yêu cầu về dán nhãn carbon. Do đó, các doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu vào những thị trường này phải chấp nhận “luật chơi” mới. Khatoco đã hoàn thành tín chỉ năng lượng xanh, còn đang trong quá trình thực hiện tín chỉ carbon.

“Khi đạt được chứng chỉ đó, sản phẩm của chúng tôi sẽ đường đường chính chính bước vào các thị trường này và cạnh tranh với các quốc gia khác”, ông Quang nói.

Kỳ tới: Giữa khơi xa nuôi biển công nghệ cao, ngư dân Khánh Hòa thu tiền tỷ