Talkshow Sách và Sứ mệnh người thầy vừa diễn ra tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TPHCM với sự tham gia của Đại sứ Văn hóa đọc Trung Nghĩa, Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền và MC - Giảng viên Giáng Ngọc. 

12 sv.jpg
Chương trình hưởng ứng chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 do SBooks tổ chức. 

Buổi giao lưu xoay quanh tinh thần hiếu học và tôn sư trọng đạo của người Việt xưa và nay. Trong đó, vai trò của thầy, cô giáo và Đại sứ Văn hóa đọc trong việc lan tỏa sự học, sự đọc với giới trẻ cũng được bàn luận giữa các đại biểu. 

Sứ mệnh người thầy không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn rèn giũa nhân cách cho mỗi học trò. Đặc biệt, người thầy cũng hướng dẫn phương pháp đọc sách và xây dựng văn hóa đọc cho mỗi em. 

Các diễn giả cho rằng sự hiếu học xưa hay hiện tại là tinh thần học tập suốt đời giúp mỗi cá nhân phát triển. Sách còn có sứ mệnh của một người thầy, giúp các bạn trẻ mở cánh cửa tri thức.

"Qua hơn 20 năm trong ngành giáo dục, tôi nhìn về sứ mệnh người thầy vô cùng đơn giản. Đó là làm cho mỗi khoảnh khắc mà học sinh ở với chúng ta sẽ trở thành những khoảnh khắc có ý nghĩa nhất trong cuộc đời các em", TS. Nguyễn Thị Thu Huyền cho hay.

TS. Huyền nhắn gửi các bạn học sinh, sinh viên rằng: cách mỗi người đi học cũng sẽ chính là cách họ đi làm sau này. "Mỗi người nên có trách nhiệm cho ngày mai của chính mình. Sếp của các bạn không bao giờ bao dung như thầy cô khi còn đi học. Do đó, hãy cẩn trọng với sự dễ dãi với bản thân", TS. Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ. 

TS Huyền nhận định, mối quan hệ của tự học, thực học và hiếu học gắn kết chặt chẽ với nhau. Hiếu học sẽ thúc đẩy việc tự học, điều này không phải "phông bạt" mà là học để ứng dụng, có ý nghĩa cho mình, để mỗi người trở nên hữu ích. 

Mỗi thế hệ có những vấn đề khác nhau, bạn trẻ sẽ trải qua các giai đoạn khủng hoảng. Cách duy nhất để thích nghi, vượt qua nó là học tập. Điều cần nhất là việc đấu tranh nội tâm và dám thừa nhận mình yếu kém để học hỏi.

batch_32ac41076d3bd6658f2a.jpg
Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM, giảng viên Trung Nghĩa cho rằng thời đại hiện nay, mọi thứ thay đổi quá nhanh nên mỗi người phải học và xác định việc học là cả đời. Chúng ta không được tự mãn hoặc "ngủ quên trên chiến thắng"

Sức ép của công nghệ AI là điều khiến xã hội phải lưu tâm. Con người là một cơ thể vật lý, cần nghỉ ngơi, ăn uống mới hồi phục, trong khi AI có thể hoạt động 24/24. Điều này vừa thuận lợi, đồng thời đặt ra thách thức không nhỏ cho con người. 

"Chúng ta có thể học mọi nơi, mọi lúc, ở tất cả mọi người và ở tất cả từ sách cho đến những thông tin trên mạng… Từ thầy cô, bạn bè, mọi điều mà chúng ta cảm thấy có ích trong cuộc sống của mình", anh nói. 

batch_073336a9228699d8c097.jpg
MC, Giảng viên thỉnh giảng Đại học Ngân hàng TPHCM Giáng Ngọc phát biểu người trẻ mỗi ngày đứng trước nhiều lựa chọn thoải mái, nhẹ nhàng hơn là học tập, phát triển bản thân: "Cầm sách khó hơn cầm điện thoại lướt TikTok".

Tuy nhiên, nếu mỗi người có đam mê đủ lớn, sẽ có một năng lượng thôi thúc họ tìm đến quyển sách hay học tập. Mỗi người phấn đấu, không từ bỏ để tốt lên mỗi ngày. 

Ông Nguyễn Anh Dũng - đại diện đơn vị SBooks cho rằng đây là dịp để tri ân đến những người lái đò thầm lặng, đồng thời gợi mở những vấn đề liên quan đến phát triển văn hóa đọc thông qua giáo dục.

"Hơn cả thế, văn hóa đọc sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ nếu những người thầy phát hiện được sứ mệnh lan tỏa cao quý của mình. Văn hóa đọc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ta, sẽ được trỗi dậy như một làn sóng, mang trong nó sức mạnh có khả năng thức tỉnh thân - tâm - trí của mỗi người”, ông nói. 

Phía đơn vị triển khai dự án Cây bút Việt, với mong muốn cuốn sách giáo dục của những nhà giáo - những cuốn sách mang tri thức Việt, tài năng Việt sẽ thức tỉnh trái tim, tâm thức của độc giả. 

Nguồn: https://vietnamnet.vn/cam-sach-kho-hon-cam-dien-thoai-luot-tiktok-2342805.html