Leonard Mlodinow - nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng luôn nung nấu tìm bằng được “chùm chìa khóa” tương thích với những băn khoăn: Cảm xúc là gì? Vì sao cảm xúc lại tồn tại? Chúng kiểm soát suy nghĩ, phán đoán, động lực và các quyết định của con người như thế nào?...

Tác giả bắt đầu đi tìm câu trả lời bằng việc khám phá nguồn gốc tiến hóa và vai trò của cảm xúc trong cuộc sống hằng ngày. Ông nhận thấy, cảm xúc không chỉ là sản phẩm của văn hóa mà còn là một phần trong di truyền và thần kinh học. Qua hàng triệu năm, cảm xúc ngày một hoàn thiện để giúp con người sinh tồn và phát triển.

Cuốn sách Cảm xúc - cảm xúc chi phối tư duy như thế nào? (do NXB Trẻ phát hành) là cầu nối giữa những nghiên cứu khoa học phức tạp và các tình huống thực tế thường ngày. Cây bút khoa học nước Mỹ luôn tìm cách “mổ xẻ” hệ thần kinh, xử lý các chất dẫn truyền chứa “hormone hạnh phúc” hay thảo luận không ngừng về cơ chế phản ứng căng thẳng… mục đích cuối cùng nhằm tạo ra một “bộ hồ sơ” về cảm xúc logic và thuyết phục nhất.

W-Cảm xúc 1.jpg
Cuốn sách "Cảm xúc - cảm xúc chi phối tư duy như thế nào?" của Leonard Mlodinow.

Ngày nay, phần lớn các nhà khoa học đã bao quát và thừa nhận rộng rãi hơn về định nghĩa “cảm xúc”. Danh từ ấy không chỉ đơn thuần chỉ sự thất vọng, sợ hãi, mãn nguyện hay yêu ghét mà đó còn là đói, khát, đau đớn và cả ham muốn tình dục. 

Gói gọn trong 350 trang, Leonard Mlodinow tập trung xây dựng bức tranh thành công đối với những người có EQ (trí thông minh cảm xúc) cao. Phát triển EQ là “mật mã” để chúng ta mở rộng các mối quan hệ xung quanh, cải thiện hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống. Tác giả còn chỉ ra tầm quan trọng của việc chọn một nơi mà cảm xúc cá nhân được tôn trọng, ở đó chúng ta có xu hướng khỏe mạnh và sáng tạo hơn. 

Với 9 chương sách, độc giả sẽ hiểu rằng “cảm xúc là một phần tất yếu trong cuộc sống”. Mặc dù chỉ số IQ cho biết mức độ phát triển của trí não, song sự nhìn nhận và hiểu biết về cảm xúc luôn là yếu tố quan trọng cho sự nuôi dưỡng con người và sự nghiệp. 

Hấp dẫn hơn, cuốn sách được tích hợp các bảng câu hỏi về hạnh phúc do Oxford nghiên cứu để bạn đọc có thể đánh giá và chiêm nghiệm cuộc sống của chính bản thân. Ngoài ra,  cuốn sách còn dành hơn 25 trang cho việc chú thích khái niệm, thuật ngữ khoa học được giới thiệu ở từng chương, cũng như danh mục từ khóa mà tác giả sử dụng trong mỗi chủ đề. 

Nhiều nhà khoa học có vẻ “dị ứng” với thuật ngữ “trí tuệ cảm xúc”. Phải chăng ngay trong cụm từ này đã có mâu thuẫn? Tư tưởng phương Tây cho rằng, cảm xúc làm xáo trộn lý trí chứ không hỗ trợ cho bất kỳ khía cạnh nào. Nhưng quan điểm đó ngày càng được chứng minh là sai lệch, thực tế những người thành công nhất trong xã hội có trí tuệ cảm xúc cao. Ngược lại, nhiều người tài trí nổi trội nhưng trí tuệ cảm xúc thấp luôn gặp nhiều khó khăn khi bước ra thế giới.

W-cảm xúc 2.jpg
Bảng câu hỏi về mức độ hạnh phúc do Oxford nghiên cứu. 

Tác phẩm còn thể hiện ranh giới rạch ròi trong hệ thống cảm xúc của con người và động vật. Phần lớn động vật phản ứng ngay lập tức và không cần ngụy trang đối với bất kỳ cảm xúc nào nảy sinh. Trong khi con người có thể điều chỉnh, nâng cao, giả mạo hoặc kìm nén cảm xúc thì loài mèo không che giấu cảm xúc khi bị làm phiền. 

Thế giới liên tục mang đến cho con người một loạt các thách thức, bất kể ta sống ở thành thị hay miền quê. Để vượt qua trở ngại, chúng ta cần kết hợp hài hòa cảm xúc lẫn tư duy. Mặt khác, mỗi người nên biết trân trọng và nâng niu cảm xúc của mình, tìm hiểu những điều ẩn sâu bên trong. Một khi nhận thức được bản thân, bất cứ ai quản lý tốt cảm xúc đều có thể “biến nguy thành cơ”, “chuyển bại thành thắng”.