Sau khi đăng tải bài viết "Bộ trưởng Y tế nói gì về đề nghị hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh ung thư?", phản ánh câu trả lời của người đứng đầu ngành y tế trước kiến nghị của cử tri về việc sớm có chính sách hỗ trợ, trợ cấp những người mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, chạy thận, VietNamNet tiếp nhận nhiều ý kiến, chia sẻ của độc giả.
Độc giả giấu tên ủng hộ việc nên hỗ trợ những trường hợp bệnh nan y như ung thư, suy thận bởi họ "suy kiệt về cả tinh thần lẫn kinh tế". Trong khi độc giả Quyết Thanh cho rằng với những người mắc bệnh ung thư hay chạy thận mà không có BHYT thì mong nhà nước xem xét cho họ có chế độ bảo hiểm giống việc hỗ trợ các gia đình nghèo.
"Gia đình nào có người mắc các bệnh nan y này cũng không khác gì hộ nghèo", độc giả để lại lời bình luận sau bài viết.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết theo quy định của pháp luật BHYT, người bệnh được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT (bao gồm khám chữa bệnh ung thư, suy thận...) theo phạm vi quyền lợi, mức hưởng đối với các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư, hóa chất thực tế sử dụng cho người bệnh, áp dụng chung cho tất cả đối tượng không phân biệt mức độ nặng của bệnh.
Chi phí điều trị một số bệnh ung thư thường gặp
Trung bình mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 182.600 ca mắc mới và hơn 122.000 người tử vong vì ung thư. Hiện nay, khoảng 350.000 người đang sống chung với căn bệnh này. Bộ Y tế dẫn thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy năm 2023, Quỹ BHYT chi trả phí điều trị cho 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (ung thư vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến) là gần 6.200 tỷ đồng. Số tiền người bệnh và BHYT đồng chi trả khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn sẽ tốn kém hơn rất nhiều.
Với ung thư cổ tử cung, một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới, Bộ Y tế trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách Dự Luật BHYT sửa đổi (được lấy ý kiến từ tháng 2), chi phí điều trị trung bình/năm của bệnh nhân ở các giai đoạn từ I đến IV lần lượt là 89,8 - 136,9 - 138,4 - 136,8 triệu đồng/năm.
Với ung thư vú, chi phí điều trị trung bình mỗi năm ở các giai đoạn từ I đến IV lần lượt là 4,2 - 12,1 - 22,5 - 17,7 triệu đồng/năm.
Trong khi chi phí của ung thư biểu mô tế bào gan (chiếm 80-90% trường hợp ung thư gan nguyên phát) là 85,1 triệu đồng. Nếu tính đến cả chi phí liên quan đến điều trị (ăn, ở, đi lại), chi phí tăng thêm của bệnh này là 7,7 triệu đồng/năm.
Với nhiều bệnh nhân ung thư hay chạy thận, tham gia BHYT là "cứu cánh" cho vấn đề kinh tế. Với bệnh nhân chạy thận nhân tạo, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào hóa chất, máy móc; mỗi tuần phải đến bệnh viện 3 lần để lọc máu và lấy thuốc. Theo quy định hiện nay, một ca sử dụng dịch vụ thận nhân tạo chu kỳ có giá 567.000 đồng, quả lọc dây máu dùng 6 lần.
Hiện tại, cả nước mỗi năm có khoảng 4,3 triệu lượt chạy thận nhân tạo được BHYT thanh toán với tổng chi phí là 2.400 tỷ đồng/năm. Đây cũng là dịch vụ có tỷ trọng chi lớn nhất từ Quỹ BHYT.
Bộ Y tế cho biết đã ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT kèm Thông tư 20/2022.
Danh mục này bao gồm 1.037 hoạt chất/thuốc hóa dược và sinh phẩm, được chia thành 27 nhóm lớn và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu. Trong đó, 76 hoạt chất/thuốc hóa dược, sinh phẩm thuộc nhóm thuốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch.
Về dịch vụ kỹ thuật liên quan chuyên ngành Ung bướu, Thông tư 22/2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Chuyên ngành Ung bướu có 26 dịch vụ kỹ thuật như xạ trị, xạ phẫu, truyền hoá chất,... Ngoài ra, Bộ Y tế cũng quy định giá của một số loại phẫu thuật, thủ thuật khác được BHYT chi trả.
Theo bảng giá quy định trong Thông tư 22/2023, một ca xạ phẫu bằng dao Cyber là 20.785.000 đồng, xạ phẫu bằng dao Gamma là 28.907.000 đồng...
Một lần điều trị xạ trị áp sát liều cao tại vòm mũi họng, xoang mặt, khoang miệng, thực quản, khí phế quản có giá 5.356.000 đồng, chưa bao gồm bộ dụng cụ dùng trong xạ trị áp sát. Một lần truyền hóa chất tĩnh mạch chưa bao gồm hoá chất cho bệnh nhân nội trú là 133.000 đồng, với ngoại trú là 161.000 đồng... Một ngày truyền hóa chất nội tủy có giá 406.000 đồng, chưa bao gồm hoá chất.
Tuỳ theo mức hưởng ghi trên thẻ BHYT, đi khám chữa bệnh đúng tuyến hay không, bệnh nhân BHYT sẽ được Quỹ BHYT thanh toán tương ứng.
Ví dụ, một bệnh nhân được bệnh viện tỉnh chẩn đoán mắc ung thư nhưng vì vượt quá khả năng điều trị của cơ sở này nên bệnh nhân được chuyển lên điều trị nội trú tại tuyến Trung ương. Bệnh nhân sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT trong phạm vi được hưởng. Nếu mức hưởng ghi trên thẻ là 80 hoặc 95%, tức là BHYT chi trả 80 hoặc 95% trong phạm vi thanh toán, 20% hay 5% chi phí còn lại bệnh nhân phải đồng chi trả.
Nếu bệnh nhân tự đi khám chữa bệnh trái tuyến, khi điều trị nội trú ở bệnh viện tuyến tỉnh sẽ được Quỹ BHYT thanh toán 100% trong phạm vi hưởng và 40% khi điều trị nội trú ở bệnh viện Trung ương. Ví dụ, bệnh nhân có mức hưởng ghi trên thẻ là 80%, nếu điều trị nội trú ở bệnh viện tuyến Trung ương mà không đi đúng tuyến, BHYT thanh toán 32% tổng chi phí trong phạm vi chi trả, số còn lại bệnh nhân phải tự chi trả.
Cử tri phản ánh chất lượng thuốc không giống nhau ở các tuyến bệnh viện
Cử tri tỉnh Bình Thuận trong ý kiến gửi trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV phản ánh chất lượng thuốc được cấp ở các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện khác nhau.
Theo đó, danh mục thuốc bệnh viện tuyến Trung ương có chất lượng tốt hơn ở bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Từ đó, cử tri kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh và cấp thuốc ở tuyến tỉnh, huyện.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết về chuyên môn, việc sử dụng thuốc tại cơ sở khám, chữa bệnh phải phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật, phạm vi hoạt động.
"Việc sử dụng và cấp phát thuốc không thể tương tự nhau ở tất cả các tuyến trung ương, tỉnh, huyện vì liên quan đến năng lực hành nghề, điều kiện kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc, các điều kiện bảo đảm an toàn, phòng ngừa tai biến, rủi ro cho người bệnh trong quá trình sử dụng thuốc", Bộ trưởng Lan cho biết.
Cụ thể, các thuốc mới, thuốc phát minh, thuốc chuyên khoa cần có nhân lực chuyên môn sâu khi chỉ định sử dụng, cần có trang thiết bị kỹ thuật cao, hiện đại để chẩn đoán, theo dõi phản ứng bất lợi trong quá trình điều trị nên chỉ được sử dụng ở các bệnh viện hạng đặc biệt (như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức, Trung ương Huế, Trung ương Thái Nguyên, Trung ương Quân đội 108), hạng I, hạng II...
Các thuốc sử dụng tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện thường là các thuốc cơ bản, thuốc thiết yếu để điều trị, chăm sóc ban đầu.
Người đứng đầu Bộ Y tế cho biết tới đây sẽ rà soát, sửa đổi và bổ sung danh mục thuốc BHYT, trong đó đặc biệt chú trọng việc mở rộng danh mục thuốc cho tuyến dưới phù hợp với sự phát triển năng lực chuyên môn; tăng phạm vi cấp phát thuốc đối với một số bệnh mạn tính tại y tế cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, khám chữa bệnh và bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.