Thời gian vừa qua, nhiều nạn nhân đã "sập bẫy" lừa đảo, bị mất số tiền lớn do chơi chứng khoán online, chốt đơn trên các sàn thương mại điện tử hay bị kẻ xấu mạo danh cơ quan chức năng đe dọa nạn nhân chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng...Đánh vào sự hoang mang của nhiều nạn nhân khi bị mất tiền và lợi dụng tâm lý nạn nhân khi bị mất tiền thường lên các trang mạng xã hội để than vãn, hỏi han, tìm lời khuyên để lấy lại được tiền bị lừa. Chúng đóng vai người tốt như luật sư, nhân viên ngân hàng, kỹ sư công nghệ… rồi thao túng tâm lý, an ủi, dẫn dụ nạn nhân chuyển một khoản tiền gọi là “phí dịch vụ” hay “phí ủy quyền xử lý”... để giúp lấy lại tiền bị lừa đảo.
Thường các đối tượng lừa đảo lập ra các tài khoản, Fanpage,Website trên không gian mạng giả mạo cơ quan chức năng, luật sư, chuyên gia an ninh mạng... đóng vai để cung cấp dịch vụ “lấy lại tiền bị lừa đảo”. Các trang này cũng lồng ghép quảng cáo về các dịch vụ, như “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”... với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại tiền lừa đảo. Để tạo lòng tin với các nạn nhân, chúng còn sử dụng các phần mềm chỉnh sửa ảnh, văn bản để tạo ra các tài liệu giả để nạn nhân tin tưởng về việc hồ sơ của mình đã được tiếp nhận, xử lý. Các đối tượng tự nhận là sở hữu hệ thống, có khả năng truy quét được toàn bộ dữ liệu của tất cả nền tảng lừa đảo.
Tuy nhiên, tất cả các chiêu trò đó thực chất là để gài bẫy, dụ dỗ nạn nhân mất tiền thêm lần nữa. Bởi sau khi nạn nhân chuyển khoản phí dịch vụ do chúng yêu cầu, như phí xác nhận ủy quyền xử lý hồ sơ rút tiền về cho nạn nhân, phí kích hoạt giải ngân, phí nâng cấp hạn mức nhận tiền cho tài khoản, phí nâng cấp điểm tín nhiệm...để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền. Khi thấy con mồi đã mắc bẫy, nạp tiền vào thì bọn chúng sẽ thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi. Khi nạn nhân hỏi, đối tượng nói phải nạp thêm tiền thì hệ thống mới cho rút về, từ đó tiếp tục chiếm đoạt thêm tiền của các nạn nhân và cắt đứt liên lạc, biến mất không dấu vết.
Người dân cần cảnh giác trước những lời mời chào nhận giúp lấy lại tiền đã bị lừa trên mạng. Nguồn ảnh Thanhtra.com. vn |
Theo cơ quan chức năng, không ít nạn nhân dễ dàng tin vào những lời hứa hẹn của chúng và đã bị "lừa chống lừa". Điển hình như chị N.T.P (trú tại phường Hà Phong, TP Hạ Long) do cả tin nên đã tham gia đầu tư chứng khoán qua mạng và bị lừa đảo số tiền 210 triệu đồng. Khi biết mình bị lừa, chị N.T.P không trình báo ngay tới cơ quan Công an mà tự tìm hiểu cách để lấy lại số tiền bị lừa. Qua tìm hiểu các trang, hội nhóm trên mạng xã hội Facebook, chị N.T.P biết được trang Facebook “Văn Phòng Luật Minh Khuê - Hỗ Trợ Thu Hồi Vốn Treo” có quảng cáo hỗ trợ dịch vụ lấy lại tiền bị lừa qua mạng, chị N.T.P đã chủ động liên lạc, làm theo hướng dẫn của các đối tượng và chị tiếp tục bị lừa thêm số tiền hơn 800 triệu đồng.
Hay một người phụ nữ sinh năm 1973, trú tại phường Vỹ Dạ, thành phố Huế cho biết, trước đó, chị đăng ký cho con thi IELTS qua mạng thì bị đối tượng xấu dùng nhiều chiêu trò lừa đảo với số tiền hơn 90 triệu đồng. Với mong muốn nhanh chóng lấy lại số tiền bị lừa đảo trên, thông qua Facebook chị đã liên lạc và làm theo hướng dẫn của trang quảng cáo “Công ty luật hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa, bị treo”. Tiền đã không lấy lại được, người phụ nữ này còn tiếp tục lâm vào tình cảnh “tiền mất tật mang” khi chuyển gần 25 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng lừa đảo.
Đây được xem là một chiêu thức mới của tội phạm công nghệ cao đánh vào tâm lý “của đau con xót” khi nhiều nạn nhân đã bị lừa một số tiền lớn, nuôi hy vọng được lấy lại tiền đã mất.
Theo cơ quan công an, tất cả các thông tin "có thể giúp lấy lại tiền khi bị lừa đảo trên mạng xã hội" đều là giả mạo.
Trước tình trạng lừa đảo đang bủa vây các nạn nhân, Bộ Công an đề nghị người dân thận trọng khi sử dụng các nguồn thông tin mạo danh Bộ Công an; tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”... trên không gian mạng; không chuyển tiền cho các đối tượng trên để được hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ.
Các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng xây dựng nhiều kịch bản, không ngừng tung ra các kịch bản mới đánh vào tâm lý của bị hại. Và để tránh bẫy lừa đảo đang bủa vây hiện nay, người dân luôn nâng cao ý thức cảnh giác, cần kiểm tra kỹ các thông tin trên các trang mạng xã hội và không chuyển tiền, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP... cho bất cứ ai. Hãy là người thông thái khi sử dụng mạng xã hội trong thời đại công nghệ.