Mỗi câu chuyện trong Gió đông rưng rức đều man mác buồn, ma mị. Tác giả khám phá giằng xé nội tâm của người phụ nữ dân tộc, nói lên bi kịch khi con người bị hủ tục và quan niệm cũ trói buộc tinh thần.

5d8d4ed2d84661183857.jpg
Tập truyện viết về những con người vùng cao hiền hậu, với nhiều góc khuất cần chia sẻ, cảm thông.

Hoàng Lệ Thủy, người con gái xứ Thanh, hiện công tác tại Bệnh viện Y dược cổ truyền Sơn La. Cảnh núi non hùng vĩ, phong tục tập quán truyền đời, nét văn hóa riêng biệt, cùng tâm sự của bệnh nhân với người điều dưỡng đã truyền cho chị cảm hứng cầm bút.

Ở những xóm làng nhỏ bé trong cuốn sách của Hoàng Lệ Thủy, dường như bổn phận lớn nhất của người phụ nữ là lấy chồng, sinh con. Họ không có lựa chọn khác và không biết đến cách sống khác. Bi kịch phát sinh từ đó.

Thế nhưng, trong tâm hồn và cơ thể họ cháy bỏng nỗi khát khao về tình yêu và sự gần gũi thể xác - một mong muốn hết sức bản năng và riêng tư, là điều mà các tác phẩm văn học ít khi chú trọng. 

Dù sống theo bổn phận hay khát khao thầm kín, họ luôn phải hy sinh hoặc trả giá đắt. Họ chịu sự dằn vặt của lương tâm, sự phán xét của người đời, mất đi người bên cạnh, thậm chí đánh mất chính mình.

Hoàng Lệ Thủy dùng lối văn rất đẹp, nhiều từ láy gợi hình gợi cảm, thường mượn đến thủ pháp tả cảnh ngụ tình. Văn phong này vừa làm sống động khung cảnh miền rừng núi hoang sơ, đầy bí ẩn, vừa thâm nhập sâu nội tâm nhân vật và thấm vào cõi lòng người đọc.

91a6e5ff736bca35937a.jpg

“Những đoạn văn hay như những ngọn gió mát nhẹ nhàng làm dịu đi những bức bối, dẫn độc giả đi sâu vào truyện cho đến hồi kết, chuyện tốt - xấu, chính - tà, chính diện - phản diện… được vợi nhẹ, luồn sâu vào từng nhân vật”, nhà văn Đoàn Hữu Nam nói.

Gió đông rưng rức giúp độc giả hiểu thêm về cuộc sống của người dân vùng cao để thêm cảm thông, chia sẻ và cũng thắp lên hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho họ. 

Nguồn: https://vietnamnet.vn/gio-dong-rung-ruc-bi-kich-tu-nhung-noi-khat-khao-yeu-duong-2337951.html