Ngày 29/9, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội) diễn ra buổi ra mắt sách Hà Nội thời cận đại - Từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)

Cuốn sách là nghiên cứu công phu, toàn diện về sự “thay da đổi thịt” của Hà Nội khi trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, thủ phủ của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp thế kỷ 19-20. Sách còn tiết lộ rằng, vào đầu thế kỷ XX, Hà Nội từng có phố Victor Hugo, nay là phố Hoàng Diệu.

W-sach2.jpg
Tác giả Đào Thị Diến tại lễ ra mắt sách. 

Tại lễ ra mắt, tác giả Đào Thị Diến chia sẻ đã dành cả cuộc đời để viết và nghiên cứu về Hà Nội. Với hơn 30 năm làm việc tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, bà tiếp cận được nhiều tài liệu quý bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, mang lại cách tiếp cận lịch sử Hà Nội độc đáo cho cuốn sách.

Cuốn sách được chia làm hai phần chính. Phần 1 gồm 5 bài viết về thời kỳ bi tráng trong lịch sử cận đại Việt Nam (1873-1897) qua các sự kiện thành Hà Nội bị quân đội thực dân Pháp tấn công, chiếm đóng và phá hủy. Phần 2 gồm 35 bài viết về quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa thành một Thành phố Pháp (ville française), một Paris thu nhỏ (petit Paris) của chính quyền thực dân. Về thực chất, quá trình biến đổi này diễn ra đồng thời ở tất cả các lĩnh vực, sau khi Hội đồng TP Hà Nội được thành lập.

Tác giả cho biết, vào năm 1902, sau gần 30 năm tiến hành các bước quy hoạch và xây dựng Hà Nội, lần đầu tiên, chính quyền thuộc địa tiến hành đặt tên cho những con đường mới mở theo một quy chế xét duyệt nghiêm ngặt bởi một Hội đồng đặt tên phố.

Một trong những tiêu chí để chọn tên là “lấy tên của các danh nhân văn hóa Pháp và Việt". Đường đầu tiên số 53 được mang tên nhà văn Pháp Victor Hugo. 

Năm 1934, trong phiên họp ngày 26/1/1934, Hội đồng TP Hà Nội đã ra quyết nghị đổi tên đại lộ Victor Hugo thành đại lộ Pierre Pasquier. Đến tháng 12/1945, theo danh sách đổi tên phố do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng duyệt y, đại lộ Pierre Pasquier được đổi tên thành phố Hoàng Diệu. Vào năm 1951, theo nghị định ngày 28/2 của Thị trưởng Hà Nội Thẩm Hoàng Tín, phố Hoàng Diệu lại được đổi thành đại lộ Hoàng Diệu, tức phố Hoàng Diệu ngày nay.

“Sinh ra và lớn lên trong một khu phố nhỏ ở phía Bắc thành Hà Nội, tuổi thơ của tôi trôi qua êm đềm với biết bao kỷ niệm. Vì thế, tôi gửi gắm trong cuốn sách này tình yêu sâu đậm với Hà Nội và tới những độc giả có cùng tình yêu như mình”, tác giả chia sẻ.

W-sach1.jpg
Cuốn sách dựng lại bức tranh toàn diện về lịch sử Hà Nội thời cận đại qua các tài liệu lưu trữ

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Vũ Dương Ninh nhận xét rằng cuốn Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) làm sáng tỏ nhiều sự kiện lịch sử của Hà Nội. Tác giả đã khai thác sâu rộng các tài liệu thời Pháp thuộc, giúp người đọc hình dung về sự hình thành của một thành phố dưới quyền cai trị của Pháp.

"Tác giả không diễn giải, không định hướng hay đưa ra những kết luận đóng đinh và xét đoán thiên lệch mà nỗ lực thấu hiểu và dựng lại bức tranh toàn diện về lịch sử Hà Nội thời cận đại qua các tài liệu lưu trữ, từ đó mong muốn giới thiệu và truyền tải những thông tin ấy", Giáo sư Vũ Dương Ninh nhận xét.

Tác giả Đào Thị Diến sinh năm 1953 tại Hà Nội. Bà là tác giả của nhiều chuyên luận về Hà Nội đã xuất bản: Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1873-1954), Hệ thống văn bản pháp quy về xây dựng và quản lý Thành phố Hà Nội từ 1885 đến 1954.

Bà tham gia biên soạn các đầu sách: Từ điển đường phố Hà Nội, Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội, Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính, Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội (từ đầu thế kỷ XIX đến nay).