Thở là một quá trình quan trọng giúp cung cấp oxy cần thiết cho cơ thể và loại bỏ khí CO2 thừa, từ đó đảm bảo sự tồn tại của chúng ta. Mũi và miệng là hai con đường chính để khí đi vào phổi. Người bình thường thường sử dụng cả hai con đường này khi thở để đảm bảo lưu thông khí hiệu quả. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tranh cãi, xung quanh việc thở bằng miệng hay bằng mũi tốt hơn?
Thở bằng miệng
Khi mũi bị tắc do cảm lạnh hoặc dị ứng, thở bằng miệng là một phản xạ tự nhiên. Ngoài ra, khi thực hiện các hoạt động lao động nặng hoặc tập thể dục mệt mỏi, việc thở bằng miệng cũng có thể giúp tăng cường việc cung cấp oxy cho các cơ quan trong cơ thể nhanh hơn.
Tuy vậy, việc thở bằng miệng chỉ là giải pháp tình thế hoặc phụ trợ chứ không phải là đường thở chính. Nếu thở bằng miệng kéo dài hoặc chỉ thở được bằng miệng thì cần phải kiểm tra lại sự thông khí của đường hô hấp.
Theo trang sức khỏe HealthShots (Ấn Độ), việc hít thở qua miệng là quá trình tự nhiên của cơ thể, nhưng nhiều người mắc phải sai lầm trong việc thở, dẫn đến các vấn đề sức khỏe như khô miệng, căng thẳng, tức ngực và khó thở.
Thở bằng miệng lâu ngày còn gây ảnh hưởng đến răng miệng, giấc ngủ và thậm chí thay đổi cấu trúc khuôn mặt, đặc biệt là ở trẻ em.
Bên cạnh đó, hít thở qua miệng có thể gây ra các bệnh về tai-mũi-họng; Nồng độ oxy trong máu bị giảm, nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp hay suy tim; Hít thở qua miệng có thể dẫn đến suy giảm chức năng phổi, tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là hen suyễn.
Thở bằng mũi
Khi thở bằng mũi, oxit nitric được tạo ra bởi mũi, có vai trò hỗ trợ quan trọng trong quá trình hấp thụ oxy của phổi và cải thiện quá trình vận chuyển oxy đến các cơ quan trong cơ thể. Ngoài ra, oxit nitric cũng có khả năng giãn mạch và có tác dụng chống lại vi sinh vật gây hại cho cơ thể như: nấm, virus, vi khuẩn và ký sinh trùng. Do đó, mũi đóng vai trò quan trọng như một hàng rào phòng ngự cho hệ miễn dịch của chúng ta.
Thở bằng mũi được ví như bộ lọc tự nhiên, quá trình hít thở bằng mũi sẽ giữ lại và loại bỏ đi các hạt bụi bẩn trong không khí; Không khí đi qua mũi sẽ ấm lên, qua đó cân bằng với nhiệt độ bên trong cơ thể trước khi nạp oxy vào phổi; Khi hít thở qua mũi, không khí được thêm độ ẩm giúp tránh làm khô ống phế quản và phổi; Thở qua mũi giới hạn dòng chảy không khí, từ đó tăng khả năng hấp thu oxy nhiều lần.
Ngoài ra, những cách thở sai như thở nông, hít thở bằng ngực, thở quá mức, nín thở...
Nhiều người có thói quen hít thở nông, chỉ sử dụng phần ngực thay vì cơ hoành, dẫn đến lượng oxy cung cấp cho cơ thể không đủ. Tuy nhiên, theo bà Manjusha Agarwal, bác sĩ nội khoa tại Ấn Độ, hít thở nông có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như mệt mỏi, căng thẳng và kém tập trung.
Hít thở bằng ngực, tương tự như hít thở nông, hạn chế lượng oxy cung cấp cho cơ thể do chỉ sử dụng phần ngực thay vì cơ hoành. Việc thiếu oxy này có thể dẫn đến stress, lo âu và lâu dần gây căng cơ vai gáy. Hơn nữa, hít thở bằng ngực trong thời gian dài còn có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu, ho, tức ngực và khó thở.
Thở quá mức là hiện tượng thở quá nhanh và sâu, dẫn đến mất cân bằng oxy và carbon dioxide trong máu. Ban đầu, đây thường là phản ứng của cơ thể trước stress. Tuy nhiên, nếu lặp lại thường xuyên, nó có thể trở thành thói quen không tốt.
Nín thở, dù vô tình hay cố ý, đều có thể gây hại cho sức khỏe. Thói quen này thường xảy ra trong những lúc tập trung cao độ, căng thẳng hoặc thậm chí khi nói chuyện. Nín thở có thể dẫn đến tăng nồng độ carbon dioxide trong máu, gây chóng mặt, đau đầu và tăng stress. Thậm chí, nếu bạn nín thở quá lâu, tim có thể đập không đều và gây ra các vấn đề về thận và gan.
Bạn nên duy trì tập thở trong 5 - 10 phút và lặp lại 3 - 4 lần trong ngày
Vậy hít thở như thế nào đúng cách?
Hít thở đúng được quyết định bởi sự di chuyển của cơ hoành. Thông thường, hít thở đúng cách sẽ bao gồm thở bằng mũi và sự di chuyển cùng chiều của cơ hoành với nhịp thở. Khi hít vào, cơ hoành hạ thấp để lồng ngực giãn ra và bụng của bạn sẽ to lên. Ngược lại, cơ hoành nâng lên và bụng của bạn thu gọn lại thì thở ra.
Nếu cơ hoành nâng lên và ngực rút lõm lại trong khi hít vào nghĩa là bạn đang hít thở không đúng cách. Tình trạng này gây nhịp thở nông, lượng khí đi vào ít trong khi không khí không được đẩy ra ngoài tối đa khiến lượng khí cặn tăng lên.
Các bài tập hít thở đúng cách có bản chất là hướng dẫn thở bằng cơ hoành sao cho hiệu quả. Ban đầu có thể bạn sẽ cảm thấy không quen với động tác thở này, tuy nhiên nếu chú ý và tập luyện thường xuyên, bạn sẽ thấy các bài tập đem lại hiệu quả tốt. Bạn nên dành khoảng 5 - 10 phút mỗi lần và lặp lại 3 - 4 lần trong ngày. Đến khi đã quen với bài tập, bạn có thể giữ thói quen này thường xuyên hơn.
Như vậy, hít thở đúng cách là chìa khóa cho sức khỏe thể chất và tinh thần