Không nhớ lần cuối cùng tôi thực sự thấy rung cảm trước một bài thơ là khi nào. Sự phổ cập, đại chúng hóa thi ca dẫn đến khuynh hướng tầm thường hóa thơ, làm mất đi tính mỹ học của thơ.
Nhưng rồi đã có người vừa cho tôi thấy lại vẻ đẹp nguyên thủy của thi ca:
tôi đã độ-nhật. bằng những khoảng vắng
quặn thắt. theo từng câu của swinburne.
vang dội tuyệt-vọng. khắp căn phòng nặng
hơi gió mùa. và grand marnier
còn sót. từ cuộc tự-sát thầm lặng.
để rồi đo. chiều sâu của đêm đông
bằng những hồi dư-hưởng vẳng sau cùng
của tuẫn-tình-khúc. rực lửa. rồi tắt.
thất-tung. vào giữa lòng manhattan
đầu thập-niên bất chợt. và hư-không.
(In illo tempore)
In illo tempore là câu thành ngữ trong sách Tin Mừng, có nghĩa là: “Trong những ngày ấy…”. Các đoạn Phúc âm được đọc trong Thánh lễ luôn bắt đầu bằng thành ngữ này, ví dụ: “Trong những ngày ấy, Iesous nói với đám đông và với các môn đệ của ông rằng…”. Đặt trong bối cảnh của tập sách thơ, thành ngữ này chứa đựng cảm thức thời gian và mang sắc thái triết học huyền bí về đời sống nhân sinh.
Hàm nghĩa mang tính triết học siêu hình của tập thơ In illo tempore chính là mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời đều có thể là “in illo tempore” với tất cả sự màu nhiệm huyền bí của nó. Trước khi trở thành “những ngày ấy”, chúng ta đang “trong những ngày này”. Đó có thể là sự hồi tưởng quá khứ, nhưng cũng chính là những suy ngẫm, cảm tưởng ngay lúc này. Và cái khoảnh khắc ngay lúc này sẽ luôn là “hiện tại vĩnh cửu” vượt ra ngoài sự câu thúc và giới hạn của thời gian.
In illo tempore của Nguyễn Thụy Đan là một tập thơ mang thẩm mỹ và thi pháp thơ đương đại, truyền đạt những ưu tư, suy tưởng đương đại bằng một ngôn ngữ thơ bác học và dụng điển. Tập thơ cũng mang nhiều yếu tố trung đại, đan cài nhiều điển cố, phảng phất khí vị cổ phong và khuynh hướng cổ điển với lối gieo vần tự do, bằng trắc không quá chặt.
Viết là một hành trình lao động khổ sai và tự lưu đày. Viết song hành cùng cô đơn. Viết thơ lại càng “loay hoay chữ nghĩa neo đơn” (Vãn-ca của những vì sao). Nỗi cô đơn trong In illo tempore hiển hiện rõ nét trong từng câu từ, từng dòng, từng trang thơ, kể cả những trang trống. Điều nhận thấy rõ nhất trong tập thơ là cảm thức về thời gian, trong đó hàm chứa nỗi buồn cố hữu về đổi thay biến dịch, sự hoang mang giữa những va đập giữa quá khứ và hiện tại. Cảm thức thời gian thể hiện qua những từ ngữ như: “xa xăm”, “thẳm thẳm”, “bụi mù ký vãng”, “ngày tháng nhuốm chiều”, “chuỗi hạt đời hữu hạn”, “tịch mịch dấu chân”...
giữa nồng ẩm đêm hè houston.
đôi khi. tôi tự nhủ. cố hương ở đâu.
nếu không phải là nẻo bụi mù ký-vãng.
(Tam-liên-họa houston)
In illo tempore là một thế giới của những ấn tượng và suy tưởng, của suy tư nội tâm, niềm tin và trực giác cùng những hoang mang, đổ vỡ và hoài nghi. Vẻ đẹp trong thơ của Nguyễn Thụy Đan là vẻ đẹp về sự nhiệm màu của tình yêu, sự sống, đức tin…, bao hàm trong đó cả sự cô đơn và nỗi ám ảnh siêu hình về sự sống và cái chết, đời người và hư vô:
níu bút. bằng níu sự sống.
níu bút. bằng níu tàn-dư lý trí.
(đối mặt dáng vẻ vô-biên
có rùng mình trước cuộc trần truồng không đàng viễn-ly?)
níu bút. bằng níu nhau. ôi. những khối thịt
cô-đơn trong ý-thức.
ăn mày hơi người. tuyệt mù thuở đêm đông.
(Tự-khúc vào đông)
Nỗi cô đơn trong thơ Nguyễn Thụy Đan là nỗi cô đơn của một người “ý thức sâu sắc về sự già nua của chính mình ở giữa thời đại”, “chỉ biết lang thang miền chữ nghĩa”, “tồn tại theo đêm” và “tuyệt dạng trưa ngày”.
Càng không phải là nỗi cô đơn được thi vị hóa theo mô thức “tả cảnh ngụ tình” một cách khuôn sáo kiểu như “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, mà là nỗi cô đơn cùng cực, cô đơn đến mức “thịt da nên một cùng bóng cô liêu”, cô đơn đến mức “quạnh quẽ dở chân tay”.
Nói như vậy không có nghĩa là thơ của Nguyễn Thụy Đan không dùng thi cảnh để biểu lộ tâm cảnh, bởi đây là một trong những bút pháp nghệ thuật tiêu biểu của thơ ca trung đại - một điển phạm văn chương mà tác giả am hiểu sâu sắc và chịu nhiều ảnh hưởng. Ở chừng mực nào đó, mối quan hệ cảnh - tình trong thơ Nguyễn Thụy Đan là một mối quan hệ tương hợp được tạo dựng theo cấu trúc song tuyến, ở đó cảnh và tình nương vào nhau, đôi khi trở nên một, không thể phân định.
Tâm cảnh trong thơ của Nguyễn Thụy Đan có thể dung chứa cả vũ trụ, còn thi cảnh được phóng chiếu qua tâm tưởng của tác giả và mang những ý nghĩa hàm ẩn, phóng dụ. Tập thơ dung chứa cả vực sâu và chân trời, cả bóng tối và ánh sáng… Trong khi tự soi mình trong cái toàn thể, cái hư vô để thấy mình nhỏ bé trong đời sống hữu hạn, nhưng ở chiều kích khác, tác giả lại thấy “tôi một bữa già cùng vũ trụ”. Cái khả năng ôm trọn vũ trụ trong tâm tưởng, thấy vũ trụ trong những điều nhỏ bé, thấy đời người “thẳm thẳm xưa” chỉ có thể có ở những người thấu đạt kinh sách, văn chương và triết học.
Không thời gian trong In illo tempore được miêu tả bằng những nét phác họa tưởng như rời rạc, đứt nối, nhưng kỳ thực lại là chuỗi liên kết bất tận. Sự liên kết này được định hình bởi cảm thức thời gian, ý niệm hư vô và ý thức về thân phận con người cùng nỗi cô đơn cố hữu:
năm giờ sáng.
bừng tỉnh. cõi đơn màu
mộng dõi đường hôm hồi vãng-nhật
chuông rền mây sớm nẻo tàn-thu
xóm kế. tiếng kinh cầu
đừng dậy vội
chúa đã gọi người đâu
sự sống là đây. từng khoảnh-khắc
im nằm nghe tịch-mịch ngày sau.
đời bất-tận xa nhau.
(Ad matutinas)
Thủ pháp nghệ thuật thường thấy trong thơ của Nguyễn Thụy Đan là cấu trúc đồng hiện “trong - ngoài”, nghĩa là sự gắn kết giữa thi cảnh và tâm cảnh, giữa thực tại ngổn ngang hình hài và những khoảng lặng, khoảng trống tâm tưởng. Cấu trúc này góp phần tạo nên kết cấu phức điệu của tập thơ, trong đó quá khứ luôn là điểm quy chiếu với hiện tại, khiến tác giả vừa muốn làm hòa với quá khứ, lại vừa muốn thỏa hiệp với thực tại. Vì không muốn thỏa hiệp, không thể thỏa hiệp nên “chỉ có im lặng là không thoả hiệp”.
Tập thơ được trình bày với nhiều trang trống, giống như những khoảng thở, khoảng trống. Khoảng trống của nỗi tuyệt vọng? Của sự im lặng không thỏa hiệp? Hay đơn giản chỉ là khoảng dừng để suy niệm trong những đêm “ngồi nhẵn”?
Phong cách làm thơ theo lối bác học, dụng điển của Nguyễn Thụy Đan khiến người đọc cũng phải có chút dụng công tìm hiểu và sự hiểu biết tối thiểu để có thể hình dung được bối cảnh ngữ nghĩa của các thành ngữ, điển cố, trích dẫn. Bên cạnh những điển cố, điển tích, tập thơ cũng trích dẫn nhiều tác giả, tác phẩm đương đại, tạo nên sự giao thoa, chồng lấn của những không gian cách biệt và khác biệt: Đông - Tây, kim - cổ, dương thế - địa phủ, tâm tưởng - thực tại, quá khứ - hiện tại…, mở rộng chiều kích lịch sử - văn hoá và chiều sâu tư tưởng của tác phẩm.
Sự dịch chuyển không thời gian trong thơ Nguyễn Thụy Đan là sự dịch chuyển của một người ngược xuôi giữa hai không gian sống, luôn phải “vượt biên thời gian” để tìm “một chốn quay về”. Chính sự dịch chuyển không thời gian bất tận này đã tạo nên những hồi quang và vang bóng lịch sử, những cấu trúc nghịch lý trong thơ của Nguyễn Thụy Đan:
trong những ngày ấy. người nói về lê-văn-trung.
đỗ-phủ. swinburne. nguyễn-xuân-thiệp.
những lời phế-phủ. tiêu-vong theo dòng
nốt cuối của bi-khúc granados. nửa đêm tương-phùng.
nơi đó. mưa bụi vẫn thấm ướt thời-gian
như trong thơ phùng-chánh-trung
song. tôi đã thôi viết. về nơi đó
về mưa bụi. về thời gian.
(Tam-liên-họa Houston)
Đỗ Phủ, Swinburne, Nguyễn Xuân Thiệp, Lê Văn Trung đứng bên nhau. Thẩm Tà Dương, Lý Thương Ẩn đứng cùng Eugene Rose; Du Tử Lê bên cạnh Mục Đán, Lý Hạ… Giai điệu Stardust len lỏi vào không gian thu quyến rũ của Đoàn Chuẩn; “đâu đó quanh đây”, Tô Thùy Yên có thể thấy “mưa nhỏ thấm ướt ngày giờ trôi qua” của Phùng Chánh Trung… Sự đan cài, sắp đặt ca từ của những bản nhạc đương đại giữa các câu thơ cổ điển tạo nên một cấu trúc thơ-nhạc mang tính liên văn bản thú vị, dẫn dụ người đọc “vượt biên thời gian” tìm một lớp ngữ nghĩa khác.
Một vài bài thơ trong In illo tempore dùng thể ngâm, lối ai vãn song thất lục bát với dụng ý thể hiện giọng điệu tự sự. Thi pháp tự sự của tập thơ tạo nên những “cuộc đối ca chờ sáng”, “dạ thoại”, “vãn ca của những vì sao”, rồi từ đó kéo người đọc vào cuộc đối thoại với thơ. Đối thoại cùng thơ của Nguyễn Thuỵ Đan, nhận ra rằng có những điều chỉ có thể diễn đạt bằng thơ, có những thứ chỉ có thể gắn kết qua thơ.
In illo tempore là một cuộc đối thoại. Đối thoại với chính mình, đối thoại với những bóng ma, đối thoại với quá khứ… Trong cuộc đối thoại đó, cái chết, chính xác hơn là ý niệm về cái chết, ý nghĩ về cái chết hiển hiện rõ nét, thường trực:
song những bóng ma thường-trực
dường tỏ với tôi. một sự
nghịch đạo lớn. rằng. khỏi ghềnh u tối
chúng ta chẳng còn nơi hằng đỗ.
(ai giang-nam)
Thơ - như một phương thức nghệ thuật để biểu đạt cá nhân, giúp người ta vươn tới một thực tại cao đẹp và trọn vẹn hơn. Chính vì vậy, những điều vụn vặt của đời sống thường nhật qua ngôn ngữ thơ tiết chế và nhiều tính ẩn dụ trở nên khoáng đạt, sâu lắng, u trầm. Thi pháp và mỹ học trong thơ Nguyễn Thụy Đan đặt trên nền tảng của đức tin và ý chí vươn tới những giới hạn nằm ngoài phạm vi của thời đại và cá nhân. Điều này tạo ra điệu thức trữ tình trong thơ, dù cái chất trữ tình đó đôi khi bị khuất lấp bởi âm hưởng bi ca và nỗi tuyệt vọng.
In illo tempore truyền đạt những ưu tư và suy tưởng đương đại bằng một ngữ khí bi kịch và phong điệu thơ mộng.
Thơ của Nguyễn Thuỵ Đan là sự phân mảnh - phân mảnh của ký ức, thực tại, tâm thức. Sự phân mảnh hối thúc vươn tới cái chỉnh thể. Đồng thời lại có sự hòa trộn, đan xen. Hoà trộn sự sống và sự chết, niềm hy vọng và nỗi tuyệt vọng, sự hiện hữu và mất mát, sinh sôi và thiêu hủy...
Dylan Thomas nói rằng, một bài thơ hay giúp thay đổi hình dạng và ý nghĩa của vũ trụ, giúp mở rộng kiến thức của người đọc về bản thân và thế giới xung quanh. In illo tempore với cá nhân tôi, giúp mở rộng kiến thức về những vấn đề liên quan đến siêu hình học, thần học và nhận thức luận.
Trước những biến cố của đời người, văn chương có khả năng làm thành lũy che chắn, giúp chúng ta trú ẩn trong khi tìm lại sức mạnh nội tâm. Trong những ngày này, tập thơ In illo tempore của Nguyễn Thụy Đan đã mang đến cho tôi một chốn nương náu tinh thần khi phải đối diện với cái chết và nỗi mất mát lớn trong đời mình.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/in-illo-tempore-ve-dep-nguyen-thuy-cua-thi-ca-2328389.html