Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm bày tỏ vinh dự khi đại diện các cơ quan xuất bản Việt Nam chào đón quý độc giả đến với không gian văn hóa và tri thức của Việt Nam.

f7a9b5ef4b6ef230ab7f.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu khai mạc. Ảnh: Phạm Thuỷ. 

Thứ trưởng khẳng định: Việt Nam là đất nước với bề dày văn hóa và lịch sử hàng nghìn năm, nơi nghề làm sách đã xuất hiện khá sớm, từ thế kỷ 15. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có ngành xuất bản năng động, giàu tiềm năng, với số lượng sách phong phú trên 40 nghìn tựa sách và gần 600 triệu bản sách mỗi năm. Điều này không chỉ minh chứng cho một dân tộc có truyền thống văn hoá lâu đời mà còn là biểu hiện sinh động, thuyết phục của quyền được biểu đạt, quyền tự do sáng tạo và quyền con người.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, gian hàng của Việt Nam có hơn 1.000 ấn phẩm tiêu biểu về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ, cùng các thành tựu mới trong cuộc cách mạng chuyển đổi số của ngành xuất bản.

"Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là giới thiệu sách mà còn coi đây là một cầu nối giữa văn hóa Việt Nam và thế giới. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng độc giả sẽ tìm thấy trong từng trang sách những câu chuyện đầy cảm hứng, thông điệp sâu sắc về hoà bình, thịnh vượng, phát triển cùng nét đẹp và tinh thần văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa đậm bản sắc và luôn tôn trọng bản sắc, tinh thần văn hoá của các dân tộc khác", ông Lâm khẳng định.

sach3.jpeg

Gian trưng bày sách của Thái Hà Books tại Hội sách Frankfurt 2024. Ảnh: Phạm Thuỷ

Trong khuôn khổ Hội sách Frankfurt 2024, đoàn Việt Nam sẽ có các hoạt động xúc tiến quan trọng, bao gồm trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Hội chợ Frankfurt về việc ký biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm đưa Việt Nam làm khách mời danh dự năm 2028, và làm việc với Hội xuất bản Nhật Bản, Malaysia, Singapore...

Các cuộc thảo luận sẽ diễn ra tại Hội sách Frankfurt 2024:

AI đe dọa sáng tác và xuất bản: Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo đang tạo ra những thách thức lớn đối với ngành xuất bản và sáng tác văn học. Tại hội sách, các chuyên gia và tác giả sẽ thảo luận về cách AI có thể thay đổi quy trình sáng tác, từ việc viết nội dung đến việc xuất bản và phân phối, cũng như mối lo ngại về việc làm giảm giá trị của tác phẩm sáng tạo.

Nước Ý và vai trò khách mời danh dự: Với vai trò khách mời danh dự, Ý sẽ giới thiệu nền văn hóa văn học phong phú của mình thông qua các tác phẩm nổi bật và tác giả danh tiếng. Các sự kiện sẽ khám phá mối liên hệ giữa văn học và điện ảnh, với các buổi chiếu phim dựa trên tác phẩm văn học và những buổi tọa đàm về giao thoa và tương tác giữa hai lĩnh vực.

Giao lưu văn hóa và xu hướng mới: Hội sách sẽ là nền tảng giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, nơi các tác giả, nhà xuất bản và độc giả có thể gặp gỡ, trao đổi ý tưởng. Các xu hướng mới trong văn học, như sự giao thoa giữa sách và các phương tiện truyền thông số, sẽ được khám phá, tạo nên không gian sáng tạo đa dạng và thúc đẩy những hình thức kể chuyện mới.

Thúc đẩy bền vững trong xuất bản: Một trong những chủ đề nổi bật năm nay sẽ là sự bền vững trong ngành xuất bản. Các tổ chức sẽ thảo luận về cách áp dụng các phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường và tạo ra những sản phẩm văn học có trách nhiệm, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.

Chương trình giáo dục và phát triển cộng đồng: Hội sách cũng sẽ tổ chức nhiều chương trình giáo dục nhằm khuyến khích đọc sách, sáng tạo và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Các hoạt động này sẽ hướng đến các đối tượng từ trẻ em đến người lớn, góp phần xây dựng thói quen đọc sách và nâng cao nhận thức về văn hóa.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/khai-mac-gian-sach-viet-nam-tai-hoi-sach-frankfurt-2024-2332821.html