70 năm mới có liên hoan sân khấu dành cho thiếu nhi là quá muộn

Toạ đàm trong khuôn khổ Liên hoan Nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng, bạn Nguyễn Như Khôi - Đại sứ trẻ em Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, hiện là học sinh lớp 12, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ suy nghĩ về thực trạng sân khấu dành cho thế hệ trẻ hiện nay. 

thieunhi.jpg
Nam sinh Nguyễn Như Khôi phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: Thuý Hiền

“Trẻ em hiện nay không chỉ được tiếp xúc với nền văn hoá của Việt Nam mà còn biết được nét độc đáo của các nước nhờ công nghệ phát triển. Vì vậy kịch thiếu nhi không thể làm dễ dãi, gây cười, nhảm nhí. Nó không còn thích hợp với trẻ em, thậm chí gây phản cảm”, Nguyễn Như Khôi bày tỏ. 

Ý kiến của Nguyễn Như Khôi khiến không ít những người làm nghệ thuật có mặt trong toạ đàm phải giật mình. 18 tuổi, em có suy nghĩ mạch lạc, rõ ràng đối với nghệ thuật sân khấu nước nhà. 

Nguyễn Như Khôi hiểu lĩnh vực sân khấu là bởi đã từng tham gia các vở diễn dành cho thiếu niên, nhi đồng của Nhà hát Tuổi trẻ, Sân khấu Lệ Ngọc.

Khôi nói, bạn bè trang lứa mình luôn muốn khám phá cái mới. Vì thế, sân khấu muốn thu hút giới trẻ cần phải có cách làm hiện đại. 

“Vở diễn cho thiếu niên, nhi đồng phải dễ hiểu. Đặc biệt, khi dàn dựng và biểu diễn, các đơn vị nghệ thuật cần phân hóa nội dung theo lứa tuổi”, Nguyễn Như Khôi bày tỏ.

Cùng quan điểm với Nguyễn Như Khôi, NSND Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho rằng việc triển khai sân khấu học đường chưa đến nơi đến chốn, dẫn tới trẻ em từ lớp 1 đến lớp 10 năm nào cũng chỉ xem xiếc, múa rối. 

“Làm sân khấu học đường phải có cả phần diễn giải để thiếu niên, nhi đồng có thể hiểu và cảm nhận về từng loại hình thưởng thức. Có hiểu trẻ em mới yêu và gắn bó với nghệ thuật được”, NSND Hoàng Tuấn khẳng định.

NSND Lệ Ngọc cho rằng, Sân khấu Lệ Ngọc là đơn vị xã hội hoá vì thế phải nghiên cứu, tính toán kỹ mới đưa vở diễn dành cho thiếu nhi lên sân khấu. “Vở diễn làm dễ dãi, nhảm nhí sẽ không có khán giả, sân khấu xã hội hoá không thể tồn tại”, bà Ngọc nói.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương thẳng thắn: “70 năm mới tổ chức một liên hoan nghệ thuật mang quy mô toàn quốc cho thiếu niên, nhi đồng là quá muộn”.

Ông Chương nêu thực trạng, kể cả những giải thưởng sân khấu cũng hiếm khi trao cho tác phẩm, thành phần sáng tạo của vở diễn thiếu nhi.

"Liên hoan Nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất với 14 đơn vị tham gia là quá ít so với số lượng các đơn vị nghệ thuật hùng hậu cả nước hiện nay. Chúng tôi mong lực lượng làm nghệ thuật cũng như xã hội quan tâm nhiều hơn tới thiếu nhi”, ông Chương bày tỏ.

thieunhi2.jpg
















Cảnh trong vở "Chú mèo dạy hải âu bay" của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: NHT

Sân khấu hoá tác phẩm văn học

NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ tự hào về thành tựu của đơn vị mình khi tạo ra một không gian sân khấu - nơi những câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ nghệ thuật phong phú, hấp dẫn dành cho khán giả trẻ.

Trước thực trạng chung của ngành nghệ thuật biểu diễn, khi phải cạnh tranh mạnh mẽ với các phương tiện, nền tảng kỹ thuật số, những bộ phim "bom tấn", Nhà hát Tuổi trẻ cũng gặp khó khăn về vấn đề kịch bản.

“Kịch bản cho sân khấu nói chung đã khó tìm, kịch bản cho thiếu nhi càng khó. Nhiều năm qua, nhà hát đã tập trung tìm kịch bản nhưng cũng không đơn giản. Gần đây, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phát động cuộc thi Sáng tác kịch bản cho trẻ em, chúng tôi tìm được tác phẩm phù hợp, đưa vào kịch mục năm 2024", NSƯT Ngọc Ánh bày tỏ.

NSƯT Ngọc Ánh cho biết, trong lúc chờ đợi những kịch bản phù hợp, nhà hát xây dựng mô hình sân khấu hoá các tác phẩm văn học dành cho thiếu niên, nhi đồng. Hoạt động này giúp các em giao lưu trực tiếp với nhà chuyên môn, nghệ sĩ yêu thích, từ đó vận dụng kiến thức văn học vào thực tế, nâng cao hiệu quả giáo dục sáng tạo.

“Đan xen trong buổi thưởng thức nghệ thuật là chương trình giao lưu với các chuyên gia khách mời gồm giáo sư, tiến sĩ, KOLs, KOC…. Họ phân tích nhân vật, nội dung vở diễn, liên hệ thực tiễn với các bài giảng trên lớp, tạo không khí sân khấu học đường, sân khấu hóa các tác phẩm văn học”, NSƯT Ngọc Ánh khẳng định. 

Cùng quan điểm, NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội mong muốn có thêm nhiều dự án sân khấu học đường để các vở diễn có thể tiến thẳng vào trường học. 

"Đề án sân khấu kịch học đường với kịch bản về văn hóa Việt Nam cũng giúp khán giả tiếp cận tốt hơn. Khán giả nhí có thể làm quen với tạo hình nhân vật, thiết kế âm thanh ánh sáng mang yếu tố văn hóa dân tộc. Trong quá trình học ngữ văn và lịch sử lồng ghép với sân khấu, các con cũng hứng thú hơn trong học tập", NSND Trung Hiếu nói.