LỜI TOÀ SOẠN

Khóa tu mùa hè là một trong những sinh hoạt đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam xem là một Phật sự hướng về giới trẻ, góp phần cùng nhà trường, gia đình, xã hội tạo ra một sân chơi lành mạnh trong dịp hè.

Về mặt pháp lý, mỗi khóa tu cần có chủ đề, xây dựng kế hoạch triển khai, đảm bảo đúng tôn chỉ hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phù hợp với văn hóa - lối sống, góp phần hoàn thiện nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống cho giới trẻ, đặc biệt là con em Phật tử.

VietNamNet giới thiệu loạt bài xoay quanh khóa tu mùa hè dành cho giới trẻ đang được tổ chức rộng rãi hiện nay.

Những năm gần đây, các khóa tu mùa hè dành cho người lớn và trẻ em nở rộ. Không ít các gia đình lựa chọn cho con em mình tham dự khóa tu ở chùa với mong muốn con trưởng thành, tự lập, được lắng nghe những bài thuyết giảng của các thầy trong nhà chùa.

Thông qua trải nghiệm từ các khóa tu, có người hài lòng vì con đã thay đổi theo chiều hướng tích cực nhưng cũng có người chưa thực sự ưng ý, thậm chí hối hận vì đã đăng kí cho con tham gia. 

Sau khóa tu, con ngoan, biết lắng nghe hơn 

Chị N.N.D. (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, bản thân thường xuyên đi lễ chùa và cũng tìm hiểu nhiều về các khóa tu tại nhà chùa. Chị cảm thấy chương trình của các khóa tu mang lại lợi ích khá lớn, nhiều người đăng kí cho con tham gia. Và rồi chị quyết định cho con gái học lớp 8 tham gia một khóa tu vào năm 2023. 

Chị cho biết, từ năm học lớp 1, con gái đã tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa nên cũng có nhiều trải nghiệm ngoài việc học trong nhà trường. Lần này, khi chị nói với con về việc tham gia khóa tu tại chùa, con chị đồng ý ngay. Bởi bản thân con là người hướng ngoại, thích khám phá những điều mới mẻ. 

Theo lời chị D., việc tu tập không mất bất cứ chi phí nào, trong khoảng 3 ngày, những người tu tập sẽ ăn uống, ngủ nghỉ tại chùa, lắng nghe thuyết giảng của các thầy, tiếp xúc với những người cùng tham gia khóa tu, không dùng điện thoại, không liên lạc với người nhà. 

“Khi quyết định cho con tham gia khóa tu, mình đã tìm hiểu khá nhiều về các hoạt động cũng như chính sách của khóa tu. Buổi sáng, các con dậy sớm ăn sáng, sau đó nghe các thầy chia sẻ về cuộc sống.

Con có các hoạt động hiểu về giáo lý của nhà Phật, như học cách nhìn nhận lại hành vi ứng xử của bản thân; học cách thông cảm và yêu thương cha mẹ, có hiếu với ông bà, cha mẹ; học cách kết nối giữa các thành viên trong gia đình”, chị nói. 

Trong 3 ngày con tu tập, chị không được liên lạc với con nhưng được cập nhật hình ảnh của con thông qua những người quản lý khóa tu. Vì vậy chị cũng yên tâm về con. 

Chị cho rằng, những khóa tu như vậy thực sự hữu ích. Sau 3 ngày, chị D. nhận thấy con thay đổi nhiều. Ngay cách ăn nói với ông bà, bố mẹ, con cũng dùng những ngôn từ chuẩn chỉnh hơn.

Con hiểu được công sức của bố mẹ, hiểu được lý do bố mẹ đi làm vất vả, không còn trách móc bố mẹ đi nhiều như trước. Ngoài ra, con cũng biết cách chia sẻ công việc nhà với mẹ như nấu cơm, chuẩn bị đồ ăn giúp mẹ. 

Chị cho biết, trước đây con được chiều chuộng, không phải làm bất cứ việc gì nên bản thân có chút ích kỷ. Khi tham gia khóa tu, được gặp các bạn có cuộc sống khác mình và được các thầy truyền dạy các bài học đạo đức, con có vẻ nhìn nhận việc học tốt hơn, và có thành tích tốt hơn, tự giác hơn trong học tập. 

“Ngoài việc học ở nhà trường, các con cần có thêm những người thầy khác về mặt xã hội. Mỗi khóa học sẽ giúp con giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực, đón nhận mọi việc tích cực hơn. Con đón nhận kì thi vào cấp 3, với tinh thần rất tích cực", chị D. chia sẻ.

Cách đây 2 năm, Bùi Nhựt Thanh (SN 1995, TPHCM) tham gia khóa tu mùa hè tại chùa Hoằng Pháp (TPHCM) sau thời gian bị trầm cảm. Thanh đến với khóa tu với hy vọng có thể chữa lành bản thân.

khoatu.jpg
Bùi Nhựt Thanh (hàng ngồi, thứ 3 từ phải qua) tham gia khóa tu mùa hè 2 năm trước. Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Suốt khóa tu, Thanh không được dùng điện thoại và những thiết bị điện tử. Sau khóa tu, Thanh cho biết mình nhận được rất nhiều thứ. 

Thanh chia sẻ: “Đầu tiên, tôi quen biết thêm nhiều bạn bè thiện lành và cả những người bạn có hoàn cảnh giống như mình. Chúng tôi tâm sự, cảm thông cho nhau, cùng nhau chữa lành. Ngoài ra, chúng tôi tập thói quen ăn chay. Bài học ăn chay giúp chúng tôi vun bồi thêm lòng từ bi với muông thú.

Ấn tượng nhất của tôi là trong suốt quá trình tu học, các thầy đều dạy những điều hay lẽ phải như lòng biết ơn ba mẹ, ông bà, xã hội, đất nước, rộng hơn là tình yêu thương với nhân loại. 

Chúng tôi được học cách yêu quý từng điều nhỏ nhất trong cuộc sống, yêu quý từng cánh hoa, ngọn cỏ, dù là một ơn nghĩa nhỏ nhất trong đời cũng phải giữ gìn, biết ơn”.

Sai lầm khi tự đăng kí cho con tham gia khóa tu 

Là người theo đạo Phật, chị N.T.H. (40 tuổi, TPHCM) thường xuyên đến ngôi chùa gần nhà làm công quả. Khi chùa có khóa tu mùa hè, chị tự động đăng ký cho con gái tu học mà không xin ý kiến con.

Chị không ngờ đó là quyết định sai lầm của mình. Sau tuần tham gia khóa tu, con chị H. trở về nhà trong tâm trạng buồn bã. Thậm chí bé nổi giận, trách mẹ đã tự đưa mình đến nơi bản thân không mong muốn.

“Sau tham gia khóa tu một tuần, con tôi về nước mắt giàn giụa. Cháu trách tôi nghĩ mình không ngoan mới cho vào chùa tu.

Cháu kể có cả trăm đứa trẻ tu trong chùa. Suốt khóa tu, cháu ăn không ngon, ngủ không yên, tắm phải xếp hàng. Cháu còn trách tôi rằng, tuổi của mình cần được hoạt động lành mạnh chứ không phải ngồi nghe kinh cả ngày. Tôi sững sờ trước phản ứng gay gắt đó của con, nhưng tôi không dám nhận mình sai", chị H. nói. 

Nhắc đến khóa tu mùa hè, con chị H. vẫn chưa hết ám ảnh. Em cho biết, đó là kỳ nghỉ hè kém vui nhất của mình. Trước khi biết tin mẹ đăng ký khóa tu hè cho mình, em vẫn đang vui chơi với các chị. 

Em kể: “Đang vui vẻ, tự do, bất chợt em phải vào chùa tu khóa tu mùa hè. Do đang ở ngoài rộng rãi, tự do mà phải vào chùa không gian nhỏ hẹp, lại có hàng trăm bạn như mình nên em cảm thấy ngột ngạt, bức bối.

Suốt khóa tu, cả ngày em phải ngồi nghe Phật pháp, đọc kinh. Ở chùa, em không có không gian, thời gian để giải trí. Sáng dậy, em phải tập thể dục theo các bài nhạc của chùa, tập xong lại nghe Phật pháp, đọc kinh đến chiều". 

Con không hài lòng, cảm thấy mất tự do. Vì thế chị H. thấy mình thực sự đã sai khi tự ý đăng kí mà không hỏi ý kiến của con, để con cảm thấy ấm ức, mất đi mùa hè ý nghĩa.