Tranh khỏa thân luôn có sự cuốn hút riêng với cả giới họa sĩ lẫn người thưởng lãm trong nhiều thế kỷ, nó đã xuất hiện ở nhiều trường phái, là một trong những chủ đề lớn của hội họa. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khó khăn trong công tác quản lý, cấp phép, định kiến của công chúng, sự khác biệt văn hóa... là những lý do khiến loại hình nghệ thuật này vẫn quẩn quanh trong bóng tối. VietNamNet trân trọng giới thiệu loạt bài nêu lên ý kiến của những người trong cuộc với góc nhìn đa chiều về thực trạng, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ.
Vẽ tranh nude là chuyện rất bình thường
Đề tài tranh khỏa thân lâu nay luôn được công chúng quan tâm đặc biệt, đồng thời cũng gây tranh cãi về ranh giới giữa nghệ thuật và khiêu dâm. Vậy làm sao để phân biệt?
Nhà giám tuyển Lý Đợi cho rằng tranh khỏa thân là để tôn vinh cái đẹp, cái tự nhiên, chân thật nhất ở con người. Trong giới nghệ thuật, vẽ tranh nude là chuyện rất bình thường. Cần nâng cao thẩm mỹ, giáo dục, tính dân chủ trong nghệ thuật. Khi yếu tố này được chú trọng phát triển mới đảm bảo số đông đón nhận tranh, không suy diễn theo hướng bất lợi cho tác phẩm.
“Khi một nền giáo dục đủ mạnh, sự cảm thụ nghệ thuật sẽ nâng lên. Thay vì tư duy nông và hẹp hòi, mỗi người rộng mở hơn về tầm nhìn, từ đó giúp nghệ thuật nude được hiểu đúng và trả về đúng vị trí, vai trò của nó trong dòng chảy hội họa”, anh nói.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định giá trị nghệ thuật ở tranh khỏa thân vượt lên những thứ tầm thường khác và đã đến lúc người Việt nên làm quen với loại hình này. Để đạt được sự công nhận rất cần định hướng khi xem tranh, xuất phát từ môi trường giáo dục, các cuộc triển lãm, tọa đàm, trao đổi… đưa đến số đông một sự “bình thường hóa” về loại hình này, thay thế cho tư duy dè dặt, e ngại và tranh cãi như lâu nay.
“Tôi hay nói đùa rằng giới hội họa nên có một ‘cuộc cách mạng’ về tranh nude. Phải làm sao để tranh khỏa thân giống như bao nhiêu mảng đề tài khác, không còn là điều gì tội lỗi, sai trái trong mắt người nhìn”, nhà nghiên cứu mỹ thuật nhận định.
Ông Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, ở vai trò đứng đầu Hội, ông luôn khuyến khích, hỗ trợ các họa sĩ với lĩnh vực tranh khỏa thân. Song không hiếm câu chuyện nảy sinh bất đồng trong quan điểm xét duyệt tranh nude của chính các họa sĩ, nhà quản lý, nhà phê bình mỹ thuật và thành viên hội đồng kiểm duyệt. Có trường hợp Hội đã thẩm định nhưng nhà quản lý lại đưa ra ý kiến khác, để rồi các tranh không được cấp phép với lý do “có chất lượng nghệ thuật chưa cao”.
Ông Đoàn thẳng thắn chia sẻ, vẫn còn khoảng cách giữa các nhà quản lý với sự sáng tạo của nghệ sĩ. Điều này ngăn trở việc cấp phép tổ chức triển lãm. Do đó, quá trình thẩm định và phê duyệt cần những người có chuyên môn về hội họa, hoặc am hiểu về nghệ thuật nói chung.
Nude không chỉ là thể hiện sự trần trụi của cơ thể
Theo họa sĩ Nguyễn Hồng Tuấn, có nhiều quan niệm về tiêu chí của một bức tranh khỏa thân đẹp song đề tài này luôn hấp dẫn khán giả cũng như nghệ sĩ bởi nó gợi cảm, lạ mà lại quen, vừa cụ thể vừa trừu tượng. Khi đã khỏa thân thường không phân biệt giữa người phương Tây và người phương Đông vì đều là vẻ đẹp của con người. Nhưng tranh nude phương Đông vẫn cần thể hiện được nét kín đáo, đoan trang của người Á Đông.
Họa sĩ Nguyễn Hồng Tuấn cho rằng, bây giờ nghệ sĩ sáng tác tranh khỏa thân một cách đàng hoàng. Việc cấp phép, xin phép không quá gò bó như ngày xưa. Còn thị trường phát triển mạnh hay không phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó cả họa sĩ và người thưởng lãm phải vượt qua được những nỗi “tự sợ”.
Trong khi đó, họa sĩ Duy Anh khẳng định, tiêu chí để đánh giá một bức tranh đẹp tùy thuộc vào quan niệm cá nhân và thời điểm.
Trước kia, tranh khỏa thân đi sâu vào sự thể hiện một cách cụ thể theo phong cách cổ điển, miêu tả con người giống như thật thì thời hiện đại người nghệ sĩ tôn trọng nhịp điệu của bức tranh. Nghĩa là hội họa hiện đại thể hiện được những màu sắc đậm nét, táo bạo bằng nhiều hình tượng, bút pháp khiến cho người xem cảm thấy nhịp điệu của cuộc sống ngày nay.
Những ý kiến đa chiều về tranh khỏa thân chỉ do khác biệt về quan điểm, văn hóa... rất khó giải thích hay thuyết phục. Riêng trong giới mỹ thuật, vẽ tranh khỏa thân là chuyện bình thường. Trong dòng chảy đương đại, chủ đề nude không còn đơn giản là thể hiện sự trần trụi của cơ thể con người, mà cao hơn, nó biểu thị thái độ văn hóa, triết học.
“Nghĩa là, thị trường có như thế nào thì họa sĩ cũng vẫn cầm cọ vẽ. Quan trọng là người thưởng thức có dám mua những tác phẩm về treo trong ngôi nhà của mình hay không”, họa sĩ Duy Anh bày tỏ.
Dưới góc nhìn của người làm văn hóa và cũng là khán giả xem tranh, nhà văn Kiều Bích Hậu bày tỏ: “Là một người thưởng lãm nghệ thuật một cách văn minh, tôi hoàn toàn ủng hộ dòng tranh này, bởi nó không chỉ ca ngợi vẻ đẹp hình thể của con người mà còn tôn vinh sự hài hòa và tinh tế trong 'điêu khắc người' của Mẹ tự nhiên.
Tranh nude, đặc biệt là những tác phẩm mô tả hình thể phụ nữ, đã mở ra một thế giới nghệ thuật độc đáo, nơi sự tinh tế và nhạy cảm được thể hiện một cách trọn vẹn. Người họa sĩ, qua từng nét cọ, ghi lại vóc dáng mỹ lệ của hình thể, truyền tải những cảm xúc sâu lắng và sự tôn trọng đối với cái đẹp tự nhiên của con người. Vẻ đẹp của cơ thể trong tranh nude là một biểu hiện vật lý nhưng lại chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc”.
Một trong những giá trị cốt lõi của tranh nude chính là nghệ thuật không bị ràng buộc bởi bất kỳ giới hạn nào, thay vào đó, nó được thể hiện qua tinh thần phóng khoáng và sự tôn vinh vẻ đẹp nguyên sơ. Tranh nude khuyến khích sự tự do biểu đạt, nghệ sĩ có thể thoả sức mô tả những đường nét, hình khối và ánh sáng của cơ thể con người một cách tự nhiên nhất.
Qua nhiều tác phẩm hội họa khỏa thân, chúng ta nhận thấy sự tôn trọng đối với cái đẹp mà tạo hóa ban tặng. Người họa sĩ bằng tâm hồn nhạy cảm và tinh tế đã ghi lại vẻ đẹp ấy với tất cả sự tôn nghiêm và kính trọng.
“Tranh nude là một thể loại nghệ thuật giá trị, đòi hỏi người thưởng lãm phải có một cái nhìn sâu sắc, một tâm hồn yêu nghệ thuật và thái độ tôn trọng với họa sĩ. Tôi tin rằng tranh nude sẽ tiếp tục được phát triển và ghi nhận như một phần không thể thiếu trong nền mỹ thuật Việt Nam và thế giới”, nữ nhà văn khẳng định.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/nen-co-mot-cuoc-cach-mang-ve-tranh-khoa-than-2315572.html