Ông N.V.N (74 tuổi, sống ở Lục Ngạn, Bắc Giang) vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu trong tình trạng sưng, đau, nóng, đỏ vùng bắp tay trái, vết mổ cũ ở khuỷu tay trái chảy dịch, có mùi hôi kèm đau nhiều khớp ở bàn tay, bàn chân.

Ông N. bị bệnh gout hơn 10 năm nay, đã tháo khớp chân phải do nhiễm trùng hoại tử khớp gây ra. Nhiều năm qua, ông vẫn tự mua thuốc về uống mà ít đi thăm khám, điều trị bệnh. Khi hạt tophi vỡ, ông N. tự trích rạch gây biến chứng nên gia đình đưa vào viện.

Khám lâm sàng, hai bàn tay của bệnh nhân dị dạng nặng. Xét nghiệm cho thấy chỉ số nhiễm trùng nặng, viêm lên tới 298,3mg/l kèm theo suy thận, gấp 60 lần người bình thường. Chức năng thận suy giảm, nhiễm trùng các hạt tophi, nguy cơ nhiễm khuẩn huyết.

benh gout top.jpg
Bệnh nhân gặp biến chứng do tự điều trị. Ảnh: BSCC.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Tươi, Trưởng khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, trường hợp của ông N. là điển hình của biến chứng nặng nề do bệnh gout gây ra. Các bác sĩ phải điều trị tích cực, giảm đau cho người bệnh.

Hầu hết người bị gout thường xem nhẹ tình trạng bệnh nên không đi khám. Khi gặp biến chứng, bệnh nhân lại tự trích rạch. Nếu bệnh gout không được điều trị sớm, đúng cách, không chỉ gây tổn thương nặng nề ở khớp, làm giảm và mất chức năng vận động mà còn dẫn tới sỏi thận, lâu dài có thể gây suy thận.

Bác sĩ Tươi khuyến cáo ngay khi có các triệu chứng sưng đau các khớp, đặc biệt là khớp bàn, ngón 1 ở bàn chân, người dân cần chủ động đến các cơ sở y tế thăm khám, điều trị kịp thời. Người bệnh gout cần kiên trì tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, phối hợp chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học nhằm kiểm soát các triệu chứng và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Hạt tophi là biến chứng hay gặp ở người bệnh mắc gout nhiều năm và gây ảnh hưởng đến các khớp bàn chân, bàn tay. Vết lở loét do hạt tophi vỡ sẽ rất lâu liền, gây nhiễm trùng mạn tính. Người bệnh không nên tự ý điều trị.