Tôi rất thích cảm giác nhặt da chết quanh móng tay, móng chân và sơn sửa móng nên thường xuyên đi làm nail. Nhưng tôi nghe nói sơn móng nhiều, đặc biệt chiếu đèn nhiều sẽ khiến móng khô, yếu hơn, thậm chí ung thư da. Thưa bác sĩ, điều này có đúng không? Mài móng trước khi sơn có gây tổn hại cho móng không? Bao lâu thì nên làm móng một lần? (Minh Anh, Hà Nội).

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Huy Lượng, Trưởng khoa Laser & săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương, tư vấn:

Chăm sóc móng vừa là cách làm đẹp, vừa giúp vệ sinh. Móng có cấu trúc nâng đỡ, bám rất chắc vùng nếp xung quanh và nếp dưới móng. Đây là nơi được cấu trúc sợi chun chằng chắc chắn, giúp bám chặt cấu trúc mô lành xung quanh mảnh sừng của móng, làm cho móng chắc khỏe.

Khi lạm dụng chăm sóc móng, như ngâm nước với thời gian quá lâu khiến những sợi chun, điểm bám đó bị yếu dần. Hơn nữa, động tác ngoáy khóe móng càng làm cho cấu trúc sợi chun trên đứt gãy nhiều hơn, từ đó gây ra nguy cơ dễ nhiễm trùng, phản ứng dị ứng, viêm, ngứa, tạo thành vòng luẩn quẩn không dừng lại được.

W-bs Lương 2.jpg
Theo Tiến sĩ Vũ Huy Lượng, không nên ngâm móng quá 10 phút, không tác động đến móng quá 1 lần/tuần. Ảnh: Võ Thu

Việc mài nhẹ móng để nước sơn “ăn” hơn, bền hơn hầu như không tác động đến lớp sừng móng, làm móng bị mỏng hay hỏng vì không ai mài đến tận lớp sừng của móng.

Nhiều người lo lắng việc sơn móng chân tay có nguy cơ gây ung thư như đồn đoán. Đến nay, một vài nghiên cứu đơn lẻ ghi nhận ca ung thư tại móng nhưng việc này có thật sự do chất sơn móng, cách làm móng hay ung thư do nguyên nhân khác biểu hiện tại móng... thì chưa khẳng định được. 

Liên quan đến thông tin việc chiếu đèn khi sơn móng có thể gây ung thư, thực tế, đa số đèn chiếu trong làm móng sử dụng ánh sáng led, loại ánh sáng này có khả năng chống viêm tốt (trong điều trị trứng cá hay bệnh lý da có viêm cũng dùng chiếu đèn). Tôi nghĩ sử dụng chiếu đèn led trong làm móng không có gì nguy hại.

Tóm lại, việc ngâm móng trong nước thời gian dài (quá 10 phút), động tác chủ động ngoáy vào khóe móng là hai yếu tố làm hại móng nhiều hơn cả. 

Việc nhặt da chết quanh móng, trên lý thuyết, nếu lấy được các tế bào chết thì không tác động đến cơ thể, nhưng nhiều người lạm dụng quá mức, động tác can thiệp quá sâu khi nhặt da chết, tác động vào cấu trúc lành bình thường, gây tổn thương, là nguyên nhân xuất hiện bệnh lý quanh móng.

Không có con số nghiên cứu cụ thể về tần suất làm móng bao lâu là phù hợp. Tuy nhiên, một con số tương đối do các hội chăm sóc da ở Mỹ và Nhật Bản đã thảo luận là không nên tác động tới móng quá 1 tuần/lần

Lời khuyên để giữ móng tay khỏe mạnh:

- Giữ cho móng tay sạch và khô.

- Cắt móng tay thẳng. Dùng kéo hoặc bấm móng tay sắc nhọn. Làm tròn các móng tay một chút ở đầu để có độ chắc khỏe tối đa.

 - Không cắn móng tay hoặc cắt bỏ lớp biểu bì. Làm như vậy có thể làm hỏng móng.

- Không sử dụng móng tay của bạn như một công cụ, chẳng hạn như cạy mở nắp hộp.

- Khi móng chân dày và khó cắt, hãy ngâm chân vào nước muối ấm. Trộn một thìa cà phê muối vào mỗi lít nước và ngâm từ 5- 10 phút.

- Tránh cắt bỏ móng chân mọc ngược, đặc biệt nếu chúng đang bị nhiễm trùng và lở loét. Nếu bạn đang bị móng chân mọc ngược, hãy đến gặp bác sĩ da liễu để được điều trị.

Đi dép tông ở hồ bơi và trong phòng tắm công cộng. Điều này làm giảm nguy cơ nhiễm trùng do nấm có thể xâm nhập vào móng chân của bạn.

Nếu móng tay của bạn thay đổi, sưng lên hoặc gây đau, hãy đến gặp bác sĩ da liễu vì đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng.