Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, lớp trẻ hiện nay ngoài việc được trang bị nền tảng ngôn ngữ phong phú còn thừa hưởng tinh thần cởi mở, năng động của thời đại. Đó là môi trường thuận lợi cho những tài năng văn chương mới vươn ra toàn cầu, sống trọn vẹn đam mê và nỗ lực với sự nghiệp.

Nhìn lại thời đại của mình, Trần Đăng Khoa khẳng định thế hệ của ông dù có tài năng và lòng đam mê văn chương nhưng gặp rào cản lớn ở ngoại ngữ. Câu chuyện về những ngày tu nghiệp của ông tại Viện văn học Maksim Gorky của Liên Xô cũ là minh chứng rõ nét. Dù học tiếng Nga khá lâu và nỗ lực sử dụng ngôn ngữ này để giao tiếp, ông vẫn gặp phải khó khăn lớn khi các thầy giáo và bạn học người Nga khen ông “nói tiếng Nga như tiếng Việt". Đó là lời khen hài hước nhưng đầy hàm ý về việc ông vẫn tư duy theo lối tiếng Việt mà chỉ lắp từ tiếng Nga vào, chưa thực sự làm chủ ngôn ngữ này.

z5987789001738_08957a1567744275a4409590946a440c.jpg
Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Hơn 30 năm sau, Trần Đăng Khoa có dịp quay lại Nga, một lần nữa thử sức nói tiếng Nga với người bản địa, cứ gặp người Nga trên phố là ông hỏi đường, trò chuyện. Nhưng khi ông nói xong, điều bất ngờ xảy ra: những người Nga đáp lại bằng tiếng Anh. Nhà thơ chợt hiểu rằng vốn tiếng Nga của mình gần như không còn đủ để đối thoại trôi chảy với họ. Chính rào cản ngoại ngữ đã ngăn thế hệ của ông tiếp cận rộng rãi hơn với nền văn học quốc tế. Vì thế, dù tài năng và tâm huyết có đủ, họ vẫn thiếu cơ hội tỏa sáng trên văn trường quốc tế.

Ngược lại, thế hệ trẻ ngày nay, đặc biệt là các bạn sinh từ thập niên 1990 trở về sau, lại có điều kiện học ngoại ngữ ngay tại quê nhà. Được sống trong môi trường song ngữ, nhiều học sinh, sinh viên đã có thể sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai từ khi còn rất nhỏ. Việc học tập trong các trường quốc tế, nơi tiếng Anh là ngôn ngữ chính thống giúp các em tiếp cận văn hóa và văn học toàn cầu rất sớm. Nhờ đó, không ít bạn trẻ đã tự tin sáng tác, viết lách bằng tiếng Anh, tự do thể hiện tài năng văn chương của mình trước thế giới.

Hiện có một số gương mặt trẻ tiêu biểu như Nguyễn Khánh Chi (bút danh Kaitlyn Nguyễn) với tiểu thuyết Magic Runs Wild (Phép thuật hoang dại), Đặng Hà Linh (bút danh Bonnie Mae) với tiểu thuyết The Strongest Magic of All (Lựa chọn giữa hai thế giới), đều được Ukiyoto Canada xuất bản trên toàn cầu.

Mới đây, còn có hai đồng tác giả Lê Gia Thảo Ngọc và Lê Hồ Quý Quế Duyên - những cây bút trẻ tuổi đã viết nên những tiểu thuyết, truyện dài trực tiếp bằng tiếng Anh ngay khi mới 11, 12 hay 16 tuổi. Đây là điều mà thế hệ thần đồng Trần Đăng Khoa chưa từng dám nghĩ tới. 

Muốn đoạt giải Nobel văn chương, theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, các cây bút trẻ cần đến 1% tài năng văn chương, vốn ngoại ngữ thuần thục và 99% nỗ lực. Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay dường như đã hội đủ những yếu tố cần thiết để chinh phục giải thưởng danh giá này. Sự tinh thông ngôn ngữ và tài năng văn chương của các em chính là chìa khóa mở cánh cửa vươn ra thế giới.

z5987819003764_dea12fbec9752cc7cd902c963fda6c1e.jpg
Trần Đăng Khoa và nhà thơ - dịch giả Úc Kuman Subedi.

Lời khẳng định của Trần Đăng Khoa chỉ ra niềm hy vọng mới, có cơ sở hơn và là lời động viên đầy cảm hứng dành cho đội ngũ sáng tác mới. Tinh thần cởi mở, dám nghĩ dám làm của thời đại đã tạo ra một bệ phóng vững chắc, thuận lợi hơn cho những nhà văn trẻ Việt Nam.

Chúng ta có quyền tự hào và hy vọng rằng, một ngày nào đó, cái tên Việt Nam sẽ được vang lên trên bục vinh danh giải Nobel, ghi dấu ấn lịch sử cho nền văn học nước nhà.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/nha-tho-tran-dang-khoa-viet-nam-se-gianh-giai-nobel-van-chuong-2338431.html