Từ nhóm nước nghèo nhất thế giới vươn lên nhóm thu nhập trung bình
Từ nhiều năm nay, khi nhắc đến Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) luôn đánh giá: Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công.

Theo WB, những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với những xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. 

Nhờ có nền tảng vững chắc, WB đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sức chống chịu đáng kể trong những giai đoạn khủng hoảng. Tăng trưởng kinh tế dự kiến ​​sẽ đạt 5,5% vào năm 2024, tăng từ mức 5% vào năm 2023, nhờ nhu cầu toàn cầu tăng và niềm tin của người tiêu dùng trong nước được khôi phục.

Tăng trưởng GDP thực dự kiến ​​sẽ phục hồi trong ba năm tới, đạt mức trung bình trước đại dịch vào năm 2026.

Hiện nay, Việt Nam vẫn là nước thu nhập trung bình thấp. Song cơ hội để Việt Nam bước vào nhóm quốc gia thu nhập trung bình cao đang đến rất gần.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới - World Bank (WB), trong năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đạt gần 430 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.347 USD/người.
Đây là con số rất cao so với mức khoảng 100 USD/đầu người khi Việt Nam mới mở cửa nền kinh tế (năm 1988) và khoảng hơn 1.000 USD khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007. Tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam rất nhanh, vượt tốc độ ở nhiều nước khu vực, trong đó có Thái Lan, Philippines…

Theo phân loại mới, tính từ 1/7/2023-1/7/2024, thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia được chia thành 4 nhóm: Các quốc gia có thu nhập bình quân dưới 1.135 USD thuộc nhóm quốc gia có thu nhập thấp; các quốc gia có thu nhập bình quân trong khoảng 1.136-4.465 USD thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp; các quốc gia có thu nhập bình quân trong khoảng 4.466-13.845 thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao. Các quốc gia có thu nhập bình quân trên 13.845 thuộc nhóm quốc gia có thu nhập cao.

Tính tới năm 2023, Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.347 USD/người, thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Còn theo phân loại tính từ 1/7/2024 trở đi, nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao có thu nhập bình quân đầu người từ 4.516-14.005 USD/người.

Với tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2024 giả sử đạt mức 6,5% và dân số tăng thêm không nhiều, mỗi người dân Việt Nam sẽ có thêm hơn 280 USD, đủ để lọt nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao với tiêu chí có 4.516-14.005 USD/người theo phân loại tính từ 1/7/2024.

Xuất khẩu bứt phá, điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia

Kể từ FTA đầu tiên Việt Nam tham gia cách đây hơn 30 năm (với ASEAN) đến nay Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng là 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) . Trong đó, 16 FTA đã ký kết và thực thi và 3 FTA đang đàm phán.

FTA mới nhất được ký kết trong năm 2023 là FTA với Israel (VIFTA) đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại trong khu vực mậu dịch tự do với hơn 60 nền kinh tế. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản,Trung Quốc, EU, Anh, Nga...


Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ví như các tuyến cao tốc để nền kinh tế nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD. 

Trong khi đó, năm 2007 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước chỉ mới đạt con số 100 tỷ USD. Năm 2001, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD.

Bên cạnh xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài cũng là điểm nhấn ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam. 

Năm 1991, số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam là 2,07 tỷ USD. Đến nay, số vốn FDI đăng ký đã lên tới hơn 487 tỷ USD. 

Theo Tổng cục Thống kê, kết quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài biểu hiện chủ yếu qua hoạt động của các doanh nghiệp FDI trong hơn 30 năm qua cũng là một minh chứng về thành tựu đổi mới và hội nhập. 

Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (khu vực FDI) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hàng loạt các thương hiệu của tập đoàn lớn trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam như Samsung, Intel, Microsoft, Toyota, Honda, KFC, Starbucks... đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Hầu hết các tập đoàn này đều đang muốn tiếp tục mở rộng và đầu tư lâu dài tại Việt Nam. 

Khu vực FDI đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) với mức độ đóng góp tăng dần qua các năm. Cụ thể, tỷ trọng của khu vực FDI đóng góp vào GDP các năm từ 2016 đến 2020 lần lượt là: 17,0%, 17,8%, 18,6%, 18,7% và 18,8%.

Khu vực FDI luôn là khu vực phát triển năng động nhất của nền kinh tế. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm (VA) của khu vực này luôn cao hơn tốc độ tăng GDP cả nước.

Năm 2016, VA của khu vực FDI tăng trưởng 8,7% trong khi GDP cả nước tăng trưởng 6,7%; năm 2017 tốc độ tăng tương ứng là 11,8% và 6,9%; năm 2018 là 12,0% và 7,5%; năm 2019 là 8,1% và 7,4%; năm 2020 là 3,5% và 2,9%.

Nhiều ý kiến ủng hộ Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Hiện nay, Việt Nam cũng đang chờ đợi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Bởi vì điều này có thể sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều ý kiến đã ủng hộ Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Theo Chứng khoán SSI, hiện Việt Nam nằm trong danh sách 12 quốc gia có quy chế kinh tế phi thị trường của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) và sẽ bị sử dụng giá từ nước thứ ba thay thế để tính toán giá sản xuất khi tính biên độ phá giá trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Những nỗ lực từ Việt Nam trong việc đáp ứng sáu tiêu chí để công nhận quy chế kinh tế thị trường được thực hiện từ khá lâu và đã được cụ thể hóa sau khi hai nước nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Hiện nhiều bên lên tiếng ủng hộ việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường như: Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham), Hiệp hội Công nghiệp bán lẻ Mỹ (RILA), Hiệp hội Các nhà xuất nhập khẩu Mỹ (AAEI), Hiệp hội Nông nghiệp Mỹ (NASDA), Hiệp hội Dệt may và da giày Mỹ (AAFA)…

Việt Nam đã được 72 quốc gia công nhận quy chế kinh tế thị trường, trong đó có Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh. Quyết định chấp thuận từ Mỹ sẽ tạo tiền đề giúp Liên minh châu Âu (EU) công nhận Việt Nam. 

Theo Chứng khoán SSI, lợi ích lớn nhất khi được công nhận quy chế kinh tế thị trường là các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam có thể sử dụng giá sản xuất của chính doanh nghiệp đó trong trường hợp Mỹ tiến hành điều tra thuế chống bán phá, tạo ra lợi thế cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa của Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác khi mức thuế phòng vệ thương mại phản ánh đúng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam. 

Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể được hưởng lợi về thuế nhập khẩu trong trường hợp Mỹ áp dụng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Đình Hiền - đại diện Công ty CP Thuỷ sản Thông Thuận (Khánh Hoà), cho biết, mặt hàng chủ đạo của doanh nghiệp là tôm đông lạnh xuất khẩu. Theo đó, nhà máy sản xuất ở An Giang làm hàng chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, còn nhà máy ở Khánh Hoà thì tỷ lệ hàng xuất sang thị trường này chỉ khoảng 12%.

Hiện, Mỹ là một trong những thị trường tiêu thụ tôm lớn trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu tôm, còn Mỹ cũng đang là khách hàng lớn thứ 2 của chúng ta. 

Do đó, nếu Việt Nam được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường thì Thông Thuận và các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản khác của nước ta sẽ hưởng lợi lớn. Trong đó, vấn đề thuế sẽ ổn định hơn. Ngoài ra, chúng ta có lợi thế với vụ kiện tranh chấp thương mại, khi đã là kinh tế thị trường thì phản ánh sẽ đúng hơn, bớt kiện tụng trong chống bán phá giá.

Chưa kể, lượng hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng ổn định hơn, đối tác mạnh tay đặt hàng. Đặc biệt khi vào chung một sân chơi, Việt Nam sẽ bình đẳng với các nước, sẽ là đối tác lớn của Mỹ và cạnh tranh với hàng của các quốc gia khác ở thị trường này, ông Hiền nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T Group cũng cho rằng, khi Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường thì tính cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường Mỹ sẽ cao hơn, ít rào cản về thuế quan hơn. 

Ông Tùng cho biết, ở thị trường Mỹ, nông sản Việt thường phải cạnh tranh hàng hoá của các nước như Thái Lan, Mexico, Ecuador… Nhưng nếu được công nhận là nền kinh tế thị trường thì chúng ta có sân chơi sòng phẳng, mọi thứ sẽ linh động hơn. 

"Như Thái Lan được ưu đãi rất nhiều ở thị trường Mỹ. Đến nay, họ được xuất khẩu khoảng hơn 20 loại trái cây vào thị trường này, trong khi Việt Nam mới được vài loại. Trường hợp chúng ta được công nhận, khi đàm phán thương mại để xuất khẩu thì mọi thứ cũng sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn", ông Tùng chia sẻ.

Ông Tùng dẫn chứng, trước kia để xuất khẩu một loại quả vào Mỹ, chúng ta phải mất tới vài năm, thậm chí 10 năm mới đàm phán thành công. Nhưng khi đã được công nhận nền kinh tế thị trường thì những rào cản sẽ bớt đi, thời gian đàm phán được rút ngắn lại sẽ thuận lợi hơn rất nhiều để các loại trái cây mới thâm nhập vào Mỹ. 

Thị trường rộng mở sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ, chúng ta vẫn phải đảm bảo vấn đề chất lượng hàng hoá, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường. Đây là điều quan trọng mà các doanh nghiệp cần lưu ý, ông khuyến cáo.

xuất khẩu.jpg
Xuất khẩu thuỷ sản trông chờ những cơ hội mới. Ảnh: Hoàng Hà

Chia sẻ với VietNamNet, ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư (CIO) của quỹ đầu tư AFC Vietnam Fund, cho rằng, ngành tôm sẽ hưởng lợi nhất nếu Mỹ nâng Việt Nam lên "nền kinh tế thị trường".

Theo ông Vicente Nguyen, trước đó, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) ủng hộ quyết định nâng hạng Việt Nam với tuyên bố của ông Ted Osius - người đứng đầu USABC - cho rằng, Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường từ trước.

Ông Vicente Nguyen phân tích, hiện tôm Việt Nam phải chịu mức thuế chống bán phá giá lên đến 25,76% khi vào thị trường Mỹ, trong khi Thái Lan chỉ chịu mức 5,34%. Do đó, nếu được nâng lên mức "kinh tế thị trường", các doanh nghiệp xuất khẩu tôm qua Mỹ sẽ dần được giảm mức thuế này theo thời gian, từ đó tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường Mỹ. 

Đại diện quỹ AFC cho rằng, việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện bắt đầu đem lại hiệu quả từ từ. Ước tính xuất khẩu qua Mỹ của Việt Nam có thể tăng mạnh trong 10 năm tiếp theo.

Nếu 10 năm trước (2013-2023), xuất khẩu qua Mỹ tăng từ 24 tỷ USD lên 100 tỷ USD, ông Vicente Nguyen dự đoán, lần này "chí ít cũng từ 100 tỷ USD lên 200 tỷ USD”.

Về dài hạn, theo SSI, lợi ích lớn nhất từ việc công nhận quy chế kinh tế thị trường là các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam có thể sử dụng giá sản xuất của chính doanh nghiệp đó trong trường hợp Mỹ tiến hành điều tra thuế chống bán phá, từ đó có thể giảm rủi ro chịu thuế chống bán phá giá trong tương lai và giúp hàng hóa Việt Nam cạnh tranh bình đẳng hơn tại thị trường này.

Chia sẻ với báo chí, TS. Huỳnh Thế Du, Quản lý Chương trình, Trường O'Neill thuộc Đại học Indiana (Hoa Kỳ) dẫn ra các nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy hội nhập, cải thiện môi trường kinh doanh suốt những năm tháng qua. Ông Du cho rằng: Những nỗ lực đó là tự thân chúng ta mong muốn có một nền kinh tế thị trường mà nguồn lực được phân bổ hợp lý và sử dụng hiệu quả, chứ không phải để đáp ứng yêu cầu của bất cứ một bên nào. Những nỗ lực đó mang tính liên tục và xuyên suốt.

“Khi nền kinh tế của chúng ta đã phát triển và độ mở như thế, thì việc Hoa Kỳ công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam là hợp lý và sẽ vô cùng có lợi cho Hoa Kỳ, cho mối quan hệ giữa hai nước, và tất nhiên sẽ rất có lợi cho Việt Nam”, ông Huỳnh Thế Du chia sẻ. 

Mục tiêu tham vọng, chờ những đột phá mở ra cơ hội mới

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã đặt ra những tầm nhìn phát triển tham vọng hơn, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế cần tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm 6% trên đầu người trong 25 năm tới. 

Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu phát triển theo hướng xanh hơn, bao trùm hơn. Tại COP27, Việt Nam cam kết giảm 30% lượng khí thải mêtan và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 đồng thời đạt được mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được các mục tiêu này, Việt Nam đã phê duyệt đề án “Một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp” tại COP28. Ngân hàng Thế giới đang tích cực hợp tác với Việt Nam trong việc thiết kế và thực hiện đề án này.

W-bất động sản.jpg
Việt Nam đón chờ những chơ hội mới.

“Tương lai của Việt Nam đang được định hình bởi một vài xu thế lớn. Dân số đang già đi nhanh chóng, thương mại toàn cầu đang suy giảm, trong khi đó suy thoái môi trường, các vấn đề biến đổi khí hậu và tự động hóa ngày gia tăng. Đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức chưa từng có, có thể làm chậm tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển”, Ngân hàng Thế giới đánh giá.

Theo cập nhật Báo cáo Chẩn đoán Quốc gia mới nhất của Ngân hàng Thế giới, để vượt qua những thách thức này và đáp ứng các mục tiêu phát triển, Việt Nam cần cải thiện đáng kể hiệu quả thực thi chính sách, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, môi trường, chuyển đổi kỹ thuật số, giảm nghèo/an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng.