Giữa tháng 9 này, Nguyễn Hữu Phước chia sẻ với VietNamNet, anh đang tổ chức cuộc thi Sáng kiến Văn hóa đọc bền vững 2024 với chủ đề Vũ trụ văn hóa đọc đa chiều. Đây là một sự kiện với quy mô lớn và lần đầu tiên được tổ chức bởi LANG THANG Community+.
“Cuộc thi nhằm mục đích tìm kiếm những sáng kiến giá trị để nâng cao văn hóa đọc tại Việt Nam và tạo cơ hội cho các cộng đồng văn hóa đọc tỏa sáng. Chúng tôi tin rằng người trẻ là tương lai và hy vọng của đất nước. Sáng kiến của họ chứa đựng tri thức, hoài bão và tinh thần cống hiến, xứng đáng được khuyến khích và phát huy”, Nguyễn Hữu Phước nói.
- Anh có thể nói thêm về cuộc thi với mục đích nghe khá lớn lao mà LANG THANG Community+ đang tổ chức?
Sau 3 năm hoạt động, chúng tôi nhận ra rằng, ngoài kia vẫn có rất nhiều dự án đang gặp khó khăn, nhiều ý tưởng còn dang dở. Các bạn tâm huyết và rất muốn làm, nhưng chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ. Do đó, cuộc thi này sẽ là một cơ hội lớn để các bạn biến ước mơ đó thành hiện thực.
Đối với tôi, sự thay đổi lớn lao luôn đến từ những ý tưởng nhỏ, xuất phát từ tấm lòng và nhiệt huyết của người trẻ. Các bạn đang là những người gieo hạt giống, vậy thì LANG THANG Community+ sẽ cùng các bạn nuôi dưỡng hạt giống đó. Khi hạt giống trưởng thành và lan tỏa, đó sẽ là niềm tự hào và hạnh phúc của tôi và ban tổ chức cuộc thi.
- Hẳn có nhiều bạn đọc cũng thắc mắc về ý nghĩa cái tên của dự án, điều gì thôi thúc anh sáng lập LANG THANG Community+?
“LANG THANG” có nghĩa là đi khắp nơi, khám phá, trải nghiệm và học hỏi. “Community+” chính là cộng đồng, một cộng đồng luôn phát triển, đi lên và mở rộng. Đó cũng là định hướng và giá trị mà chúng tôi muốn lan tỏa - không ngừng tìm tòi những chân trời mới, không chỉ qua sách mà còn qua trải nghiệm đa chiều của cuộc sống.
Với phương châm “Đi để đọc, đi để học, đi để nhìn đời”, chúng tôi luôn được thôi thúc việc xây dựng một cộng đồng - nơi mọi người có thể tự do khám phá thế giới tri thức, được học hỏi, chia sẻ và cùng nhau phát triển.
- Đến nay, dự án của anh đã đóng góp cụ thể điều gì trong phát triển văn hóa đọc?
Các hoạt động đã tiếp cận gần 300.000 người trẻ, hơn 15.000 người theo dõi trên mạng xã hội và khoảng 15 chương trình về phát triển, lan tỏa văn hóa đọc được tổ chức.
Đồng thời, chúng tôi cũng thường xuyên tham gia các chiến dịch như: Thu gom rác thải - Ươm mầm tri thức, quyên góp cho quỹ dạy học cho các trẻ em vùng cao,…
Tuy nhiên, điều tự hào không phải là những con số mà trong 3 năm qua, chúng tôi đã nỗ lực kiến tạo không gian cho người trẻ yêu sách; xây dựng những cây cầu để các bạn kết nối, chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc về sách và cuộc sống. Đó là điều quý giá nhất mà dự án làm được cho cộng đồng.
- Làm nhiều chương trình và là giám khảo không ít cuộc thi về văn hóa đọc ở các trường đại học, nhóm, hội, anh đánh giá ra sao về niềm yêu thích đọc sách của giới trẻ hiện nay?
Các bạn trẻ có sự tò mò và khát khao khám phá rất lớn. Tuy nhiên, trong thời đại số hóa, việc đọc sách đôi khi bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Nhưng tôi luôn tin rằng, nếu chúng ta tạo ra những không gian thú vị, những cách tiếp cận gần gũi hơn, sáng tạo hơn thì niềm đam mê đọc sách sẽ phát triển mạnh mẽ.
- Anh đang đọc cuốn sách gì, tiêu chí chọn sách của anh như thế nào?
Tôi đang đọc cuốn Những kẻ mộng mơ của tác giả Elvis Nguyễn - một tác phẩm đầy cảm hứng giúp người đọc tìm lại chính mình, tìm lại hạnh phúc và bình yên trong cuộc sống.
Mỗi khi chọn sách, tôi không chỉ dựa vào thể loại hay chủ đề, mà chủ yếu tìm đến những tác phẩm có thể giúp học hỏi và phát triển bản thân trong giai đoạn hiện tại. Đối với tôi, mỗi cuốn sách đều giống như một người thầy - cung cấp cho tôi tri thức, những bài học quý báu và cách nhìn nhận cuộc sống từ nhiều góc độ khác nhau.
- Trên mạng xã hội, Hữu Phước cũng hay viết và nhận được nhiều tương tác tích cực, anh sẽ ra sách chứ?
Đó cũng là mục tiêu của tôi trong tương lai. Tuy nhiên, chắc chắn cần thêm thời gian và cơ hội để ấp ủ đó được thực hiện.
- Đọc và viết giúp ích gì cho anh trong cuộc sống, công việc cũng như bồi đắp giá trị bản thân?
Đối với tôi, đọc và viết không chỉ là phương tiện nâng cao tri thức mà còn là cách để phát triển tư duy và hoàn thiện bản thân. Khi đọc, tôi lắng nghe nhiều câu chuyện, quan điểm khác nhau; còn khi viết, tôi tìm thấy tiếng nói của chính mình. Cả hai điều này giúp tôi sống có mục đích hơn và luôn vững bước trên con đường đã lựa chọn.
Ảnh: NVCC
Nguồn: https://vietnamnet.vn/noi-tran-tro-phat-trien-van-hoa-doc-cua-chang-trai-me-sach-2322513.html