Lời toà soạn

Những thầy cô giáo mang trên vai sứ mệnh “trồng người” cao cả cũng rất tâm huyết với việc nuôi dưỡng tâm hồn, trau dồi các kỹ năng của học sinh bằng những cuốn sách do chính họ viết. Đó là những vần thơ trong sáng giúp truyền tải giá trị nhân văn, giáo dục các em có lối sống đẹp, trở thành người tử tế; là những cuốn sách khiến giới trẻ thêm yêu lịch sử dân tộc hay các dự án phát triển tiếng Anh trong cộng đồng…

Tuyến bài của VietNamNet giúp các độc giả được làm quen với những nhà giáo đồng thời là các tác giả viết sách tôn vinh văn hóa đọc.

Làm thơ hay đọc thơ đều là cách để bồi đắp tâm hồn

- Là Nhà giáo Ưu tú, nguyên là giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM), những ngày của tháng 11 này hẳn đặc biệt và ý nghĩa với chị?

Mới đây, tôi nhận được lời nhắn từ học sinh một lớp chủ nhiệm cũ (niên khóa 2000 - 2001) mong muốn được tới thăm cô nhân dịp 20/11. Mới đó mà các cô cậu học trò lớp 12 năm ấy đã ngoài 40 tuổi cả rồi. Thời gian có thể xóa nhòa đi nhiều thứ, nhưng cũng tô đậm thêm nhiều giá trị. 

Tôi nghĩ với bất cứ ai một khi đã gắn bó với nghề dạy học thì Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 luôn khơi gợi nhiều cảm xúc. Lời chúc, đóa hoa đặc biệt của các thế hệ học trò luôn là niềm hạnh phúc to lớn đối với người thầy, cho họ thêm động lực và giữ vững niềm tin yêu với nghề, với người. 

03 sv.jpg
Nhà thơ, nhà giáo Huệ Triệu. 

- Nghề giáo viên được gắn với cụm từ “hy sinh thầm lặng”, “người lái đò” hay một nghề cao quý của xã hội, chị có tâm tư, tình cảm gì muốn gửi gắm dịp này?

Tôi cảm kích trước những tôn vinh, trân trọng dành cho nghề dạy học. Tuy nhiên, tôi nghĩ nghề nào trong xã hội, một khi đã gắn với lao động chân chính đều cao quý như nhau. Nghề giáo, với đặc thù riêng sẽ cần ở người thầy nhiều năng lực, phẩm chất.

Học trò và những trang sách là một thế giới vô cùng sinh động, mới mẻ. Điều này đồng nghĩa với việc người thầy phải nỗ lực, luôn làm mới chính mình qua từng phương pháp dạy học phù hợp. Hãy nuôi dưỡng và giữ vững tình yêu với nghề vì yêu nghề, nghề không phụ.

01 sv.jpg
Nhà thơ Huệ Triệu (bìa trái) nhận giải thưởng "Nhà văn nữ ấn tượng năm 2021" (Hội Nhà văn Việt Nam) từ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

- Không chỉ là nhà giáo, chị còn là nhà thơ có nhiều tác phẩm nổi bật. Theo chị, thơ ca có ý nghĩa thế nào với đời sống và tâm hồn mỗi con người?

Tôi nghĩ làm thơ hay đọc thơ đều là một cách để bồi đắp tâm hồn và giúp cuộc sống có ý nghĩa hơn. Với nhiều người, thơ không chỉ gắn với sự giãi bày mà còn là đối thoại đa chiều. Vì thế, thơ gắn với hạnh phúc của việc được sẻ chia và hạnh phúc được hoàn thiện. 

- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng nhận xét về chị: “Huệ Triệu đã viết nên những trang đời lộng lẫy, viết một cuốn sách khác những cuốn mà ta đã biết, để mang đến cho cuộc sống điều tử tế". Theo chị, điều tạo nên sự đặc biệt trong thơ mình là gì?

Đã là người sáng tác đều mong muốn để lại dấu ấn, dù là nhỏ nhất. Tôi đặc biệt đề cao những chiêm nghiệm, trải nghiệm. So với người khác, tôi viết không đều và không nhiều. Song điều tôi viết nên, dù hạnh phúc hay nỗi đau đều từ trải nghiệm. Và tất nhiên có thêm chút suy tư, trăn trở... Hay như giải thưởng "Nhà văn nữ ấn tượng năm 2021" của Hội Nhà văn Việt Nam tôi được nhận lại là từ hoạt động thực tế. 

Thêm nữa, tôi luôn hướng tới điều tốt đẹp hay cảm xúc tích cực. Thơ tôi vì thế ít bi lụy hay thở than. 

Viết sách tưởng nhớ chồng và người mất vì Covid-19

02 sv.jpg
Tổ ấm nhỏ của nhà giáo, nhà thơ Huệ Triệu. Ông xã chị (bìa phải) đã ra đi trong mùa dịch Covid-19.  

- Nỗi đau, sự mất mát từng trải qua khi chồng ra đi vì Covid-19 được chị gửi gắm trong những dòng thơ. Mất bao lâu để chị đối diện và vượt qua được giai đoạn khó khăn này?

Đôi khi nhớ lại, tôi không nghĩ mình đủ sức đương đầu với biến cố đau thương ập đến quá nhanh, quá bất ngờ. Đại dịch bùng phát, người dân thành phố có lẽ không bao giờ quên hồi còi cứu thương vang động, đường phố vắng tanh với phút giây nghẹt thở vì sự sống - cái chết chỉ cách nhau ranh giới quá mong manh... 

Trường ca Người về trong hương được hoàn thành và ra mắt bạn đọc vào dịp giỗ lần thứ 2 của chồng tôi, như nén tâm nhang dâng lên, tưởng niệm nạn nhân đã mất vì Covid-19, trong đó có người chồng yêu quý của mình. Quả là rất khó khăn để đối diện với ký ức đau buồn.

Đã nhiều lần tôi phải dừng lại giữa chừng, nước mắt nhòa dòng chữ và tim nghẹn thắt. May mắn tôi đã vượt qua và hoàn thành tác phẩm trong khoảng thời gian một tháng.

Sách được viết ra, không chỉ là tỏ bày niềm thương xót vô hạn với người đã khuất, mà còn là một cách để tri ân nghĩa tình, vượt lên nỗi đau để bước tiếp. 

Nhiều người hỏi về tên của trường ca. Tôi đã nghĩ nhiều khi đặt tên cho nó là Người về trong hương. Với tôi và gia đình, người đi xa sẽ luôn sống mãi cùng làn hương thương nhớ, trong hương đất hương mùa... 

- Không dừng ở nỗi đau cá nhân mà trên cả là sự thấu cảm, san sẻ của chị với cảnh ngộ chung của nhiều gia đình khác, chị muốn gửi gắm điều gì?

Trường ca Người về trong hương thấm đẫm nước mắt của tôi và bao số phận cùng cảnh ngộ, phải ra đi tức tưởi trong cơn bão đại dịch kinh hoàng. Nhưng giữa tháng ngày đau thương ấy lại ánh lên vẻ đẹp của tình người ấm áp, sự hy sinh thầm lặng của rất nhiều con người ở tuyến đầu chống dịch. 

Trách nhiệm của người cầm bút thôi thúc tôi để trường ca với chất liệu hiện thực đầy ắp, có thể trở thành một cuốn tư liệu ghi lại một giai đoạn mất mát mà kiên cường, ăm ắp nghĩa tình của người dân thành phố. Tôi muốn mọi người, cả lớp con cháu mai sau hãy ghi nhớ để sống sao cho xứng đáng.  

- Nếu dành một lời khuyên về văn hóa đọc cho các bạn trẻ, chị sẽ nói gì?

Tôi muốn nhắn gửi các bạn trẻ: Hãy đọc văn hóa và đọc có văn hóa

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trao cho các bạn nhiều cơ hội, đồng thời sẽ thử thách ở bản lĩnh lựa chọn. Hãy chọn sách đáng đọc để nâng cao, bồi đắp văn hóa cho bản thân. Tôi khá tâm đắc với ý kiến cho rằng, khi hướng tới việc đọc văn hóa, tức là bạn đang tiêu thụ và quảng bá giá trị văn hóa. 

Từ thực trạng nhiều bạn trẻ không chỉ lười đọc mà còn đọc sách theo trào lưu, thậm chí tìm tới các loại sách "đen" độc hại hoặc phát ngôn thiếu cẩn trọng khi tiếp xúc với sách, tôi nghĩ họ cần ý thức hơn về việc đọc có văn hóa, trong đó bao gồm rèn kỹ năng đọc lành mạnh. 

- Khi đi qua thăng trầm cuộc đời, giờ đã nghỉ hưu, chị vun vén cho cuộc sống thế nào?

Câu hỏi này đặt ra một vấn đề thú vị, không chỉ với riêng cá nhân tôi mà còn với nhiều người. Hẳn nhiên là sau một chặng đường dài phấn đấu, cống hiến, người ta có quyền được nghỉ ngơi, làm điều bản thân thích và tận hưởng khoảnh khắc yên bình bên gia đình, người thân. 

Tôi thuộc tuýp người năng động nên luôn nghĩ nghỉ hưu không hẳn đã là kết thúc hành trình. Giờ đây tôi có nhiều thời gian và đủ tĩnh lặng hơn để viết và sáng tạo. Có nhiều khởi đầu mới và tôi vẫn đang nỗ lực, lặng lẽ thực hiện bên cạnh việc chăm sóc gia đình.

- Khoảng lặng đời sống, lúc một mình, chị đối thoại và suy ngẫm nhiều về điều gì?

Tôi nhận ra giá trị đích thực của đời sống sau biến cố hay sau giây phút ngặt nghèo. Đúng là chỉ có những ai từng đi qua mất mát mới thấu hiểu được giá trị của đời sống. Càng nâng niu lại càng phải có trách nhiệm để mỗi thời khắc ta sống luôn mang lại điều gì đó tốt đẹp. 

Hạnh phúc của mỗi con người, theo tôi là được hết mình với đam mê và tin yêu. Bây giờ, tôi đang được sống trọn vẹn với tình yêu cuộc sống, với thơ.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/nha-giao-uu-tu-hue-trieu-nguoi-viet-nhung-trang-doi-long-lay-2340983.html