Hôm nay (4/6), Quốc hội bắt đầu nội dung chất vấn và trả lời chất vấn với 4 bộ trưởng, trưởng ngành. Nội dung chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày.

Bốn nhóm lĩnh vực được các Đại biểu Quốc hội lựa chọn chất vấn gồm: Tài nguyên và môi trường, kiểm toán, công thương, văn hóa - thể thao và du lịch.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh sẽ đăng đàn đầu tiên, đây cũng là lần đầu ông trả lời chất vấn trước Quốc hội kể từ khi đảm nhận cương vị tư lệnh ngành tài nguyên, môi trường.

Nhóm vấn đề chất vấn gồm các nội dung: Việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia. Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước. Giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, do thời gian không cho phép, ĐBQH thấy vấn đề nào chưa được giải đáp, cần làm rõ thêm xin gửi về Tổng Thư ký Quốc hội.

Các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ tiếp tục trả lời. Đối với lĩnh vực tài nguyên, môi trường, Chủ tịch Quốc hội cho biết, quản lý tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai; ứng phó biến đổi khí hậu luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục. Việc Quốc hội lựa chọn chất vấn nhóm vấn đề này đã đáp ứng sự quan tâm của cử tri và nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội cho biết đã có 49 phát biểu chất vấn, tranh luận, bao gồm 39 ý kiến chất vấn, 10 lượt tranh luận. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, sát với tình hình thực tiễn, sát với nội dung nhóm vấn đề chất vấn.

ĐBQH nêu câu hỏi rất ngắn gọn, rõ ý, mỗi đại biểu chỉ nêu 1 vấn đề nên rất thuận lợi trong điều hành. Bộ trưởng TN&MT đã chuẩn bị kỹ nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời khá đầy đủ vấn đề bất cập, hạn chế; có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã tham gia làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn có những tồn tại, hạn chế. Qua phiên chất vấn, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng TN&MT, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung một số nội dung như sau:

Thứ nhất, bám sát nội dung, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong năm 2025, hoàn thành việc khảo sát, đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo ngoài khơi; tổng kết việc thi hành và đề xuất việc sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Thứ hai, tập trung triển khai có hiệu quả Luật Tài nguyên nước năm 2023, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước. Chủ động phòng, chống và có giải pháp ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, trong đó có dự án Luật Địa chất khoáng sản trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổng hợp, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn đưa vào dự thảo Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để xin ý kiến các BQH trước khi thông qua tại cuối kỳ họp.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà báo cáo giải trình làm rõ hơn các vấn đề đại biểu quan tâm. Phó Thủ tướng cho biết, phiên chất vấn có 45 đại biểu chất vấn tập trung vào các nhóm vấn đề về khoáng sản tập trung vào đất hiếm, vật liệu san lấp; trong lĩnh vực tài nguyên môi trường tập trung vào ô nhiễm sông, quản lý chất thải rắn…; vấn đề tài nguyên nước liên quan đến an ninh nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn; vấn đề khai thác bảo vệ tài nguyên biển…

Phó Thủ tướng phát biểu thêm những vấn đề có tính liên ngành, liên vùng. Cụ thể, về vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng cho biết trước đây phân cấp cho địa phương nhưng vướng mắc về quy trình thủ tục làm chậm trễ, kéo dài thời gian. Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo và Quốc hội lần này đã xem xét phân 4 nhóm khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường thuộc nhóm đơn giản hóa thủ tục.

Từ nay đến khi Luật Khoáng sản có hiệu lực, Chính phủ ban hành các nghị quyết cho phép các cơ chế đặc thù, trong đó có gia hạn, nâng công suất, đơn giản thủ tục cấp phép cho các mỏ khai thác. Hiện đang triển khai tốt.

hong ha.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh: QH

Đối với các vùng khó khăn về nguyên vật liệu như ĐBSCL, Thủ tướng đã 2 lần xuống làm việc, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cũng làm việc nhiều lần. Hiện đã triển khai một số giải pháp khắc phục: Bộ GTVT đã có nghiên cứu, đánh giá, thử nghiệm và ban hành thành các hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật… đối với nguồn cát nhiễm mặn.

Về sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, Phó Thủ tướng cho hay, cần có các bước như ở Sóc Trăng chủ yếu là cát sông, hạt lớn. Việc đánh giá, nghiên cứu thử nghiệm từng khu vực là hết sức cần thiết.

Chính phủ đã có các phương án, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định 157, trong đó đối với các cảng biển nội thủy, sông ngòi, kênh rạch thì hoàn toàn có thể giao cho địa phương đánh giá, điều tra và khai thác để tận dụng nguyên liệu này.

“Qua đánh giá sơ bộ ở Tiền Giang, Bến Tre đã có 45 triệu tấn. Cho nên, với ĐBSCL hoàn toàn tự chủ được việc cung cấp cát cho các dự án cao tốc”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Ông Trần Hồng Hà cũng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo bổ sung thêm từ các nguồn khác, trong đó có nghiên cứu sử dụng đá xay, nhập vật liệu các từ nước bạn, với nhiều giải pháp đồng bộ, thời gian tới vấn đề này sẽ được giải quyết. Phó Thủ tướng đề nghị đối với các dự án đường cao tốc thì tư vấn thiết kế gắn với nhu cầu vật liệu san lấp các loại, đưa vào dự án nghiên cứu khả thi để địa phương chủ động hơn.

Liên quan đất hiếm, Phó Thủ tướng cho biết, ở Việt Nam, hiện theo đánh giá Cục Địa chất Mỹ, chúng ta có tổng lượng đất hiếm chiếm 18% trên thế giới với 2 loại: Đất hiếm nặng và đất hiếm nhẹ. Điều này phụ thuộc nhiều công nghệ để chuyển đổi thành các nguyên tố có giá trị.

Thị trường đất hiếm hiện nay tăng 4%/năm từ 2014 đến nay do các nhu cầu về sản xuất pin, nam châm. Hiện nay Chính phủ chỉ đạo có dự án điều tra đánh giá toàn bộ trữ lượng và các thành phần các loại đất hiếm, xác định nguyên tắc dựa vào thị trường để khai thác, đáp ứng công nghệ để tuyển chọn, không xuất khẩu thô.