Trước đó, Trần Bảo Hưng từng giới thiệu đến bạn đọc cuốn Văn hóa và phát triển - NXB Hội Nhà văn (2020).
Ông cho biết, sự tái ngộ cùng tác phẩm Phát triển và văn hóa không đơn thuần là một cách chơi chữ, bởi đặc trưng lớn nhất của con người là hình thành, phát triển trên cơ sở xây dựng một nền văn hóa. Nói cách khác, văn hóa (nghĩa rộng) vừa là mục tiêu, vừa là đích đến của con người trong tiến trình hình thành và phát triển.
Tác giả dành nhiều thời gian và tâm sức cho vấn đề này bởi theo ông, vai trò của văn hóa hết sức quan trọng, mất văn hóa là mất tất cả. Những phát hiện sắc bén của ông khiến người đọc giật mình.
Trong bài Đừng biến khuyết điểm được sửa chữa thành “thành tích”, tác giả thể hiện quan điểm thẳng thắn: “Đừng bao giờ coi những ấu trĩ, những sai lầm cần phải sửa chữa là “thành tích” đáng ghi nhận. Đừng ngạc nhiên khi hàng vạn doanh nghiệp không muốn lớn, bởi nguyên nhân sâu xa là do những người quản lý ứng xử không đúng với tư thế của người đã trưởng thành!”
Một số bài viết khác như Thử “bốc thuốc” cho ngành y và ngành giáo dục, Nguyên nhân của sự lừa đảo trên mạng xã hội, Công nghiệp văn hóa sẽ giết chết văn hóa chân chính; Ai đang thương mại hóa lễ hội?... nên được bạn đọc ghim lại để suy ngẫm.
Di sản lịch sử và văn hóa phong phú đã chứng kiến bối cảnh của nền văn minh từ khi hình thành đến phát triển, đồng thời hỗ trợ tinh thần mạnh mẽ cho sự tiếp nối đa dạng của dân tộc. Thực tế, việc bảo vệ di sản văn hóa là cơ sở quan trọng nhằm thúc đẩy kế thừa và phát triển văn hóa, đồng thời đưa ra các kế hoạch, sắp xếp có hệ thống, phát huy thành tựu. Trong thời đại mới, chúng ta cần gánh vác tốt hơn sứ mệnh văn hóa mới, phải đặt việc bảo vệ và sử dụng di sản văn hóa lên vị trí nổi bật hơn.
Với cuốn sách của mình, Trần Bảo Hưng gặp nhiều độc giả có chung quan điểm: Bảo vệ, kế thừa và sử dụng di sản văn hóa, thiên nhiên là yêu cầu tất yếu cho sự tiếp nối nền văn minh nhân loại và sự phát triển bền vững của thế giới.
Là một nhà văn, nhà báo có nhiều năm theo dõi văn học nghệ thuật, Trần Bảo Hưng đã có cái nhìn am tường về thực trạng của hoạt động văn học nghệ thuật nước nhà. Ông đưa ra nhiều luận điểm mới với dẫn chứng thực tế, cùng với đó là không ít quan ngại về tình hình sáng tác, các xu thế và dự đoán phát triển trong tương lai.
Trong cuốn sách, khi nhắc đến Đỗ Đức, tác giả không giấu được sự yêu quý và ngưỡng mộ dành cho người họa sĩ đa tài. Bài Những trang viết chắt ra từ tình yêu thiên nhiên và cuộc sống chính là cảm nhận của tác giả từ hai tập sách Tuổi thơ ơi và Gã thợ xăm của Đỗ Đức. Theo đó, Trần Bảo Hưng cho rằng những đóng góp quan trọng của Đỗ Đức là những bài học, chiêm nghiệm nhân sinh mà ông rút ra, khái quát lại qua việc viết về chim, hoa, cá, rừng cây...
“Hãy tử tế với thiên nhiên vì đây là cái nôi sinh ra con người. Cuộc sống hiện đại mang lại nhiều lợi ích, nhưng nếu không biết tiết chế cũng là cách loài người tự hủy diệt mình”, Trần Bảo Hưng viết.
Những bài viết tập hợp trong Phát triển và văn hóa khiến các nhà quản lý văn hóa nghĩ đến việc quan trọng trước mắt chính là tăng cường xây dựng đội ngũ nhân tài, phát huy tinh thần lao động nghiêm túc, tỉ mỉ, làm từng việc một và đạt được kết quả lớn hơn theo thời gian.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/phat-trien-va-van-hoa-duoi-goc-nhin-bao-chi-2354750.html