Cuốn sách Con người và sự nghiệp giáo dục của Đức Phật do cư sĩ Trần Bách Đạt viết và được dịch giả Hiểu sinh chuyển ngữ sang tiếng Việt. Theo đó, những giáo lý cao cả mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - một nhà giáo dục vĩ đại - để lại cho nhân loại đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị và những bài học sâu sắc.
Theo cư sĩ Trần Bách Đạt, mục tiêu, phương pháp và nội dung giáo dục của Đức Phật ở bất kỳ phương diện nào cũng đều có những kiến giải độc đáo.
“Tuy khoảng cách về thời gian từ thời của Đức Phật đến nay đã hơn 2.500 năm, con người và sự vật đã có những biến động vô cùng lớn lao, nhưng đọc lại những gì Ngài chỉ ra trong kinh, chúng ta vẫn nhận ra rằng những điều Đức Phật đã dạy thật mới mẻ, hoàn mỹ và có giá trị thực tế, có thể đem lại sự hân hoan cho tâm hồn và khai sáng cuộc sống”, cư sĩ Bách Đạt chia sẻ.
Tác giả cuốn Con người và sự nghiệp giáo dục của Đức Phật là người ham học hỏi và có những suy nghĩ thâm sâu, ngoài việc chuyên tâm nghiên cứu những tác phẩm về các trào lưu tư tưởng giáo dục đương đại ra, ông còn dành nhiều công sức đọc kinh điển của Phật giáo.
Vị cư sĩ tự thân thực hành, cần mẫn kiểm chứng và phát hiện ra trong kinh điển Phật giáo hàm chứa nhiều tư tưởng rất có giá trị nên chắt lọc những phần có liên quan đến giáo dục, tóm tắt chỉnh lý rồi phân tích các đặc điểm khác nhau về Con người của Đức Phật.
Thông qua hai chủ đề nổi bật với những trích dẫn kinh điển tác giả đã chứng minh Đức Phật là một nhà giáo dục vĩ đại, một nhà nghệ thuật chân chính hiểu được cuộc sống, đồng thời cũng là một kỹ sư tâm hồn.
Thứ nhất: Nghiên cứu, thảo luận những điểm đặc sắc về con người của Đức Phật, chứng minh Ngài có đầy đủ điều kiện để trở thành một người thầy giỏi. Đồng thời, tác giả cũng trích dẫn những kết quả nghiên cứu Tâm lý học, Giáo dục học hiện đại và kinh nghiệm của bản thân để khẳng định vấn đề này.
Thứ hai: Chứng minh ít nhất 12 điểm đặc sắc trong phương pháp giáo dục của Đức Phật.
Một trong những điểm đặc sắc trong phương pháp giáo dục của Đức Phật là nội hàm phong phú: Từ sinh lý học, địa lý học, vạn vật học, thiên văn học, lịch sử học, triết học, dinh dưỡng học, vệ sinh học, đạo dưỡng sinh, y học, tương lai học, kinh tế giáo dục học, tâm lý học, logic học, chính trị học…
Chẳng hạn, Đức Phật hiểu rõ thành phần cấu tạo của từng bắp thịt, mỗi giọt máu, từng đốt xương, từng mẩu tủy sống trong cơ thể con người. Thậm chí, Ngài còn biết được mỗi người có đến 99 vạn lỗ chân lông, ngay cả quá trình phát triển của một thai nhi từ khi trứng bắt đầu thụ tinh đến khi được sinh ra.
Rồi một quốc gia có bao nhiêu dãy núi và dòng sông? Trong núi có những bộ lạc nào và hồ nước nào? Có những loài cây cối, cỏ hoa và động vật nào trong rừng? Dưới hồ nước có những gì? Núi cao và rộng bao nhiêu? Sự phân bố của những dãy núi và dòng sông như thế nào?... Tất cả những điều này đều được Đức Phật nói vô cùng tỉ mỉ.
Không chỉ là một bậc Đại trí có thể nói ra những điều mang tính thuyết phục cao mà Đức Phật còn là một người tự nêu gương. Không chỉ là một người đưa đường dẫn lối mà Đức Phật còn là một người giúp đỡ. Không chỉ là một người truyền đạt văn hóa mà Đức Phật còn là một người cố vấn, một người bạn tốt nhất của chúng sinh.
Đức Phật là người nghiêm túc chịu trách nhiệm, thân thiết và có tấm lòng lương thiện. Không những hiểu sâu sắc về tâm hồn con người mà Đức Phật còn nhiệt tình với công việc phúc lợi công cộng.
Không những nắm vững các nguyên lý giáo dục mà Đức Phật còn vận dụng hiệu quả kỹ năng giảng dạy. Không những chú trọng giáo trình và phương pháp giảng dạy phù hợp với năng khiếu của người học, Đức Phật còn nhấn mạnh đến việc đánh giá giáo dục.
Qua tác phẩm, độc giả sẽ nhận ra, Đức Phật không những truyền thụ những lẽ phải vào trong tâm trí của học trò mà Ngài còn khơi gợi những tiềm năng và thế mạnh của họ. Phương pháp này nếu được mỗi người thầy ứng dụng vào sự nghiệp trồng người chắc hẳn sẽ khai phóng người học để họ tìm thấy chính mình chứ không phải ai khác trên con đường tìm về nguồn cội bình an, kiến tạo tương lai.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/phuong-phap-giao-duc-xuyen-thoi-dai-cua-duc-phat-2342998.html