Theo thạc sĩ, bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Kim Hoàn, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường. Đáng chú ý, hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng.

Trong đó, người bệnh đái tháo đường khi dùng quá liều, sai thời điểm, sai loại các thuốc insulin, sulfonylurea, bỏ bữa ăn, ăn ít tinh bột, uống rượu, suy gan, suy thận… có thể gây hạ đường huyết, rơi vào tình trạng nguy hiểm. Nồng độ đường máu thấp là dưới 3.9 mmol/L cảnh báo hạ đường huyết.

Các triệu chứng của hạ đường huyết đa dạng. Người bệnh vã mồ hôi, lạnh, mặt tái xanh, run chân tay, cơn co giật lan tỏa hoặc khu trú, xuất hiện cảm giác đói đột ngột, khó chịu, cồn cào, đau vùng thượng vị, buồn nôn, hoặc nôn.  

Người bệnh cũng có thể thấy nhịp tim nhanh, huyết áp tâm thu tăng nhưng chỉ ở mức vừa phải. Tuy nhiên, có bệnh nhân không có các biểu hiện nói trên.

Khi có các dấu hiệu hạ đường huyết, người bệnh cần nhanh chóng ngừng ngay việc sử dụng các thuốc loại uống hạ đường huyết hoặc insulin.

cấp cuuu 2.png
Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường. Đáng chú ý, hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng.

Người thân cần nắm rõ quy tắc 15-15

Nếu bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, đường máu đo <3,9mmol/l, cần nhanh chóng hấp thụ 15g glucose theo đường ăn hoặc uống. Có thể dùng nước hoa quả (táo, nho), một ly nước 300ml chứa khoảng 15g glucose. 

Bạn cần theo dõi đường máu mao mạch sau 15 phút. Nếu đường máu mao mạch >3,9 mmol/l, bệnh nhân cần được hướng dẫn chế độ ăn và tìm nguyên nhân để tránh hạ đường huyết lặp lại. Nếu đường máu mao mạch tiếp tục thấp <3,9 mmol/l, tiếp tục xử trí hạ đường huyết theo mức độ nặng.

Trường hợp bệnh nhân rối loạn ý thức cần đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để có đường truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bắp 1mg glucagon. 

Hạ đường huyết rất dễ gặp và có dấu hiệu tiến triển nhanh. Vì vậy, ngoài việc điều trị, người bệnh nên chủ động phòng ngừa, kiểm soát lượng đường trong cơ thể hằng ngày để bảo vệ sức khỏe của chính mình bằng một số biện pháp đơn giản như:

- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, ăn đủ lượng carbohydrate trước khi tập thể dục và ăn nhẹ trong lúc tập nếu cần thiết.

- Ăn thêm các bữa phụ ngay khi lượng đường có dấu hiệu xuống thấp hoặc khi các dấu hiệu của bệnh mới xuất hiện.

- Thường xuyên kiểm tra đường huyết và tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của các bác sĩ, không tự ý uống thuốc khi không có đơn hoặc ngưng thuốc khi các dấu hiệu bệnh thuyên giảm.

- Luôn có sẵn đường hoặc các sản phẩm có đường như kẹo, bánh, chocolate trong túi xách, cặp để phòng khi xảy ra hạ đường máu.

Theo công bố của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) năm 2021, mỗi năm Việt Nam có tới 52.700 bệnh nhân đái tháo đường tử vong, tương ứng gần 150 người tử vong mỗi ngày. Theo điều tra của Bộ Y tế, đái tháo đường là thủ phạm gây tử vong đứng hàng thứ 7 vào năm 2009 nhưng đến năm 2019 đứng hàng thứ 3. Bệnh nhân không tử vong ở Khoa Nội tiết - Đái tháo đường mà thường tử vong khi vào Khoa Cấp cứu, Tim mạch, Thần kinh hoặc Đột quỵ.

Theo IDF, số tiền để điều trị cho 1 bệnh nhân mắc đái tháo đường ở Việt Nam chiếm khoảng 14-15 triệu đồng/năm. Bệnh nhân có biến chứng thì chi phí điều trị tăng lên gấp đôi, xấp xỉ 30 triệu đồng/năm.