Theo điều 42, Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ bắt buộc các mỏ khoáng sản phải lắp trạm cân, camera giám sát. Quy định thì là vậy, nhưng vẫn còn nhiều mỏ khai thác khoáng sản tại tỉnh Quảng Ninh đều không lắp đặt trạm cân, camera giám sát. Điều này đã vô tình tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản vượt trữ lượng gây thất thoát tài nguyên.
Loạt mỏ “nằm ngoài” quy định
Thời gian qua, Báo Tri thức và Cuộc sống nhận được thông tin phản ánh về tình trạng nhiều mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không có hoặc thiếu trạm cân, camera giám sát, không tuân thủ Luật Khoáng sản cũng như các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề quản lý tài nguyên, môi trường dẫn đến nguy cơ gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách nhà nước.
Theo đó, nhiều ngày tháng 4/2024, PV Báo Tri thức và Cuộc sống trực tiếp ghi nhận tại mỏ khoáng sản quặng pyrophyllite (bản Lý Quán, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) của Công ty cổ phần công nghiệp Đông Bắc Việt Nam và phát hiện nơi đây liên tục diễn ra hoạt động chở đất, đá thải trong khu vực khoáng sản đến dự án Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao Greentech nằm trên cùng địa bàn để san lấp mặt bằng.
|
Xe tải chở đất, thải từ mỏ khoáng sản quặng pyrophyllite của Công ty CP công nghiệp Đông Bắc Việt Nam ra ngoài đổ san lấp mặt bằng. Hiện trạng mỏ không có cân và camera giám sát. |
Theo những người dân sinh sống tại bản Lý Quán, năm 2022, mỏ quặng này từng chở đất, đá thải ra ngoài và bị xử phạt. Sau một thời gian dừng thì nhiều tháng nay mỏ quặng lại tái diễn hoạt động chở đất, đá gây ô nhiễm môi trường cho khu dân cư.
Đáng chú ý, những khối lượng đất, đá thải từ mỏ khoáng sản này không được kiểm soát bằng cân tải trọng hay camera giám sát.
Ông Mai Văn Khâm, Tổng Giám đốc Công ty CP công nghiệp Đông Bắc Việt Nam thừa nhận, đơn vị đang cung cấp đất, đá thải của mỏ làm vật liệu san lấp cho dự án nuôi lợn trên địa bàn. Mỏ quặng pyrophyllite cũng chưa lắp đặt trạm cân tải trọng và camera giám sát.
Khi được hỏi về khối lượng đất, đá thải được vận chuyển ra ngoài khu vực mỏ được tính toán, kiểm soát thế nào, ông Khâm cho biết, Công ty được phép thu hồi khoáng sản đi kèm đất, đá thải làm vật liệu san lấp trong quá trình khai thác quặng pyrophyllite với khối lượng 310.000m3.
Cũng trên địa bàn huyện Hải Hà, mỏ khoáng sản Trí Đức (bản Quảng Hợp, xã Quảng Thành) của Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Trí Đức được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp giấy phép khai khoáng đất, đá làm vật liệu san lấp từ tháng 5/2023 với trữ lượng khai thác hơn 5 triệu m3. Tuy nhiên, ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, suốt nhiều tháng qua, hoạt động lấy đất, đá từ mỏ khoáng sản này phục vụ san lấp mặt bằng cho một dự án trên địa bàn TP. Móng Cái không được kiểm soát bằng cân tải trọng, camera giám sát tại khu vực mỏ chưa lắp đặt. Thay vào đó là những tờ phiếu chỉ ghi nội dung loại xe, đơn vị vào “ăn hàng” mà không có thông tin về khối lượng đất, đá được đưa đi tiêu thụ.
Ngày 17/4/2024, sau khi phát phiếu xác nhận cho một tài xế xe tải BKS 14C – 306.70, công nhân của Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Trí Đức cho biết: “Không cần chốt khối lượng tại mỏ. Chỉ cần chấm đầu xe rồi chuyển về cho kế toán...”.
|
Mỏ đất Trí Đức chỉ kiểm soát đất bằng phiếu ghi đầu phương tiện. Trong khi, mỏ chưa lắp cân tải trọng. |
Tại TP. Hạ Long, mỏ đất Trới 2 (phường Hoành Bồ, TP. Hạ Long) của Công ty CP Thương mại và Đầu tư Quốc tế Vân Đồn nằm lọt giữa khu dân cư và được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 1916/GP-UBND ngày 5/7/2022 với trữ lượng 534.065m3. Mỏ đất này được “sinh ra” nhằm phục vụ san lấp mặt bằng cho một số dự án đầu tư công, trong đó có dự án đường nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng (tại Km06 +700) đến đường tỉnh 338 – giai đoạn 1 và dự án Xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc (tại Km20+50) đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng.
|
Mỏ đất Trới 2 không lắp trạm cân và hoạt động chở đất diễn ra xuyên đêm suốt sáng. |
Theo phản ánh của người dân phường Hoành Bồ, mỏ đất Trới 2 hoạt động xuyên đêm với số lượng xe tải đông đúc. Tiếng ồn máy móc và xe tải gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của người dân. Đặc biệt, mỏ Trới 2 không lắp trạm cân nên khó kiểm soát khối lượng khoáng sản đưa đi tiêu thụ và khó quản lý số lượng xe đã được cơ quan chức năng chấp thuận trong phương án vận chuyển, nhất là khi mỏ này được chấp thuận hoạt động vào ban đêm và rạng sáng.
Ngày 24/3, thông tin qua điện thoại với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, đại diện Công ty CP Thương mại và Đầu tư Quốc tế Vân Đồn cho biết: “Công ty đã đầu tư cân, nhưng đều hỏng, chưa phù hợp với mặt bằng và các loại trọng tải nên không thể lắp đặt. Vấn đề này công ty đã báo cáo, giải trình gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường”.
|
Mỏ sét Xuân Cầm rộng lớn nhưng cũng thiếu hệ thống cân. |
Tương tự, tại mỏ sét Xuân Cầm (khu Kim Sen, phường Kim Sơn, thị xã Ðông Triều) cũng diễn ra tình trạng không có hệ thống cân tải trọng. Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Đông Triều, mỏ sét Xuân Cầm có thủ tục pháp lý đầy đủ. Tuy nhiên, việc mỏ thiếu cân và camera giám sát đã được Sở TNMT tỉnh Quảng Ninh nhắc nhở.
Nguy cơ thất thoát tài nguyên
Cuối năm 2022, Công an tỉnh Quảng Ninh triệt phá thành công chuyên án đường dây khai thác đất trái phép với quy mô lớn và có tổ chức. Tính chất vụ án gây rúng động dư luận khi “nguồn cơn” xuất phát từ một khu đất được cấp phép khai thác phục vụ dự án giao thông trọng điểm của địa phương này.
Theo đó, năm 2015, Công ty CP xây dựng và Đầu tư An Phát – đơn vị được cấp phép khai đất phục vụ dự án tuyến cao tốc nối TP. Hạ Long - cầu Bạch Đằng. Công ty này đã ký hợp đồng với công ty Dịch vụ Vận tải Thương Mại Vũ Đại Vỹ do Đào Thế Vinh làm Giám đốc để vận chuyển đất từ mỏ Cái Mắm về khu vực thi công của công ty An Phát trong thời gian thi công dự án.
Năm 2018, khi dự án hoàn thành, UBND tỉnh Quảng Ninh đã bàn giao toàn bộ khu đất cho Công ty Cổ phần và đầu tư Bảo Lai để quản lý, khai thác phục vụ dự án Hạ Long Xanh nhưng Đào Thế Vinh vẫn tiếp tục lợi dụng để khai thác mỏ đất trên cung cấp cho một số công trình trong và ngoài tỉnh.
Tính từ năm 2018 đến thời điểm bị bắt giữ, Đào Thế Vinh đã tổ chức khai thác, vận chuyển trái phép đất với số lượng lớn tại khu vực khu vực đồi thuộc tổ 3, khu Cầu Trắng, phường Đại Yên, TP. Hạ Long do Công ty CP đầu tư Bảo Lai quản lý để bán cho một số đơn vị có nhu cầu mua đất san lấp mặt bằng, sản xuất gạch ngói, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.
Tại TP. Uông Bí, tháng 5/2022, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Quảng Ninh) tiến hành kiểm tra dự án khai thác đất làm vật liệu san lấp mặt bằng của Công ty Hưng Thịnh (phường Bắc Sơn, TP. Uông Bí). Qua kiểm tra, lực lượng công an phát hiện Công ty Hưng Thịnh khai thác không đúng phương pháp trong thiết kế mỏ, báo cáo kinh tế kỹ thuật được phê duyệt; Không thực hiện quan trắc chất thải đối với trường hợp có quy mô, công suất tương đương đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trong quá trình thực hiện Dự án khai thác đất làm vật liệu san lấp mặt bằng tại P.Bắc Sơn, TP.Uông Bí. Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty Hưng Thịnh với tổng số tiền 120 triệu đồng.
Hay như chính Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Trí Đức, tại điểm mỏ số 11 (thôn 5, xã Quảng Nghĩa, TP. Móng Cái), năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty này số tiền 258 triệu đồng, trong đó có lỗi không lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan; Không lắp đặt trạm cân tại các kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan; Không lập sổ sách, chứng từ, văn bản có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm...
Theo ông Nguyễn Tiến Thắng, một chủ mỏ đá đã lắp cân và camera giám sát nhiều năm tại tỉnh Hà Nam, quy định lắp đặt trạm cân và camera giám sát tại khu vực mỏ nhằm quản lý lượng khoáng sản khai thác, không để thất thoát tài nguyên, hạn chế tình trạng chở quá khổ, quá tải, giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ hơn khối lượng khoáng sản trên từng chuyến xe trước khi rời mỏ.
“Trước đây, khi chưa có trạm cân, mỗi lần xe vào ra, doanh nghiệp đều phải bố trí người ghi chuyến, đo khối lượng thì nay không cần nữa. Về phía khách hàng mua đất cũng yên tâm hơn vì khối lượng giao chuẩn xác, không còn thắc mắc chuyện xe đầy, xe vơi. Tuy nhiên, cốt lõi nhất của việc lắp cân và camera tại mỏ là để công khai, minh bạch khoáng sản, không gây thất thoát tài nguyên”, ông Nguyễn Tiến Thắng nói.
Nghị định 04 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản được ban hành từ năm 2022 cũng đã quy định cụ thể hình thức xử phạt đối với vi phạm không lắp trạm cân, camera giám sát tại các mỏ khoáng sản. Tuy nhiên, nhiều mỏ khoáng sản ở Quảng Ninh vẫn hoạt động khi không có trạm cân, camera giám sát. Điều này cho thấy, địa phương này thiếu quyết liệt trong khâu giám sát các mỏ khoáng sản. Và, nếu tiếp tục thả nổi, không bắt buộc các mỏ khoáng sản phải lắp đặt trạm cân, camera giám sát và không kiểm soát chặt dữ liệu từ trạm cân, camera giám sát thì sẽ khó tránh khỏi tình trạng thất thoát nguồn tài nguyên như đã từng xảy ra tại địa phương này.