Tết Đoan ngọ (ngày 5/5 âm lịch hàng năm) là một trong những ngày lễ truyền thống ở Việt Nam, được người dân coi trọng. Một số quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên cũng đón ngày lễ này.

Tại sao tết Đoan ngọ lại có tục ăn thịt vịt?

Trong ngày tết Đoan ngọ, người Việt thường chuẩn bị mâm cỗ cúng dâng lên tổ tiên, thần linh, cầu nguyện mùa màng bội thu, không bị sâu bệnh tàn phá, con người khỏe mạnh, không bị bệnh tật quấy nhiễu.

Đặc biệt, mâm cỗ tết Đoan ngọ của người Việt Nam khắp 3 miền đều có những món ăn truyền thống để “giết sâu bọ”. Tùy thuộc vào từng vùng miền mà ngày diệt sâu bọ sẽ được cúng lễ theo cách khác nhau. Mỗi món ăn, lễ vật có trong mâm cúng Tết đều mang ý nghĩa riêng của từng vùng miền nhưng tất cả đều thể hiện lòng thành kính, hướng về tổ tiên.

Theo truyền thống, mâm cúng ngày tết Đoan ngọ gồm các loại trái cây, cơm rượu nếp, bánh gio (bánh ú tro, bánh tro)... Đặc biệt, ở miền Trung, người dân còn đón tết Đoan ngọ với món vịt béo ngậy, mềm ngọt. Có thể nói đây là phần không thể thiếu trong mâm cỗ tết Đoan ngọ ở đây.

thit vit.jpg










Tại sao có tục ăn thịt vịt ngày tết Đoan ngọ trong khi thực phẩm này thường bị kiêng ăn vào đầu tháng? Thời điểm 5/5 âm lịch thường đúng vào mùa thịt vịt béo và thơm ngon nhất, vừa chắc thịt vừa mềm ngọt. Về thời tiết, đây là lúc trời nắng nóng gay gắt, dương khí trong trời đất ở mức cực thịnh, theo cách nói của người phương Đông xưa.

Trong khi đó, theo Đông y, thịt vịt có tính hàn, vị ngọt, giúp tăng thêm năng lượng, bồi bổ cơ thể cho những người lao lực, lao tâm nhiều. Đặc biệt, thịt vịt còn được xem là phương thuốc hữu hiệu để chữa trị các chứng nhiệt, sốt cao đến co giật (Đông y gọi là sài kinh) cũng như giúp giải độc, làm giảm mụn sưng và hạ nhiệt. Thịt vịt cũng được cho là có tác dụng "bổ trung ích khí", giúp những người suy nhược phục hồi nguyên khí.

Với những đặc điểm này, thịt vịt là món ăn phù hợp sử dụng trong những ngày nắng nóng, đó là một phần lý do giải thích tại sao có tục ăn thịt vịt ngày tết Đoan ngọ.

Phương pháp chế biến thịt vịt thường là luộc và thưởng thức kèm với nước mắm gừng, hoặc được sử dụng trong các món cháo. Một số cách chế biến phổ biến khác gồm vịt tiềm (cùng với sen, táo, đinh hương và hồi). 

Như vậy, ăn thịt vịt trong ngày tết Đoan ngọ không chỉ là một phong tục truyền thống mà còn là sự lựa chọn thông minh, hợp lý đem lại lợi ích sức khỏe dựa trên sự cân bằng hàn - nhiệt, âm - dương trong ẩm thực, phù hợp với khí hậu đặc biệt của miền Trung. 

Cách luộc vịt ngon cho ngày tết Đoan ngọ

Nên chọn vịt trưởng thành, có ức đầy, da cổ và bụng dày, đã mọc đủ lông. Tránh chọn vịt quá béo hoặc quá non, vì vịt quá béo sẽ gây ngán, còn vịt non thịt sẽ nhão.

Vịt sau khi làm thịt cần được rửa với rượu trắng để khử mùi hôi, sau đó xả qua lại với nước, chú ý cắt hết phao câu để loại bỏ mùi hôi. Với phần chân, cần tước lớp da vàng bên ngoài và chặt bỏ móng. Ngoài ra, cần lột bỏ vỏ lưỡi vịt, lớp vỏ viền quanh miệng và mũi vịt; bỏ phổi vịt để tránh tình trạng thịt luộc chín vẫn đỏ như chưa chín.

Để luộc vịt, bạn cần chuẩn bị thêm các phụ liệu, gia vị sau: 1 củ gừng, 2 củ hành khô, 1 nhánh sả, muối hạt, rượu trắng.

Các bước luộc vịt: Cho nước vào nồi, thả sả, gừng, hành nướng vào, đun sôi lên rồi thả vịt vào để luộc. Đậy kín nắp nồi, hạ nhỏ lửa để sôi liu riu. Thời gian luộc vịt chín là khoảng 20 phút, tăng giảm tùy vào khối lượng và độ già của con vịt.

Theo VTC