'Tay lính bộ binh quèn' 75 tuổi vẫn viết văn, sống vui với hai vị sếp đặc biệt
20/12/2024 17:26
Từ chiến trường đến văn chương, nhà văn Trung Trung Đỉnh mang cả cuộc đời vào những trang viết. Dù ở thời chiến cũng như thời bình, ông vẫn là người kể chuyện chân thực, viết bằng ký ức và trái tim nóng hổi.
Từ chiến trường đến văn chương, nhà văn Trung Trung Đỉnh mang cả cuộc đời vào những trang viết. Dù ở thời chiến cũng như thời bình, ông vẫn là người kể chuyện chân thực, viết bằng ký ức và trái tim nóng hổi.
Lời tòa soạn
Các nhà văn, nhà thơ quân đội là một binh chủng đặc biệt tham gia vào những cuộc chiến lịch sử của dân tộc. Nhiều người trực tiếp vừa cầm súng vừa cầm bút với nhiệt huyết sôi sục và trái tim nóng hổi. Cội nguồn văn hóa dân tộc và những trải nghiệm chân thực của các văn nghệ sĩ mặc áo lính đã hun đúc lên nhiều tác phẩm nghệ thuật kịp thời động viên tinh thần chiến sĩ, góp phần làm nên chiến thắng và giáo dục lòng yêu nước của các thế hệ sau.
VietNamNet xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết về một số nhà văn quân đội cùng câu chuyện xúc động về cuộc đời người lính Bộ đội Cụ Hồ.
“Tôi là một tay lính bộ binh quèn”
Là nhà văn quân đội, Trung Trung Đỉnh từng có thời gian dài sống và chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Ông luôn cho rằng, chính những năm tháng trong quân ngũ đã nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương của mình.
“Tôi viết văn không hề bị ai thúc ép hay vì cái gọi là để lại tên tuổi. Tôi viết vì yêu chữ và những gì mình trải nghiệm”, ông chia sẻ với VietNamNet.
Những tháng ngày ở Tây Nguyên, ông đảm nhiệm đủ vai trò, từ lính địa phương quấy rối địch trong các ấp chiến lược, cán bộ nằm vùng cơ sở, người chiếu bóng đến cả nhân viên y tế bất đắc dĩ khi y tá đơn vị hy sinh. “Tôi mày mò đọc sách y học kiếm được trong ấp, học cách tiêm thuốc từ các anh chị y tá huyện ủy”, ông nhớ lại và luôn miệng nói: “Tôi là một tay lính bộ binh quèn, rất quèn”!
Tình yêu với Tây Nguyên không chỉ được hun đúc từ những năm tháng chiến đấu mà còn được bồi đắp qua sự quan sát và trải nghiệm thường ngày. Ông kể: “Những đêm xuống ấp làm việc với cơ sở nằm vùng, tìm thấy trong nhà dân có sách báo gì tôi cũng vơ cuộn thành cuộn đem về chỗ trú quân đọc. Từ kinh Phật đến tạp chí văn học, cứ vớ được gì là tôi đọc không sót chữ nào”.
Tình yêu văn chương được bồi đắp trong những đêm chong đèn làm bạn vớisách, kết hợp với bao kỷ niệm khó quên, trở thành nguồn cảm hứng cho những tác phẩm về vùng đất Tây Nguyên của nhà văn Trung Trung Đỉnh.
Tiểu thuyếtLạc rừnglà minh chứng rõ nét nhất cho tình yêu với mảnh đất ngập tràn nắng gió của nhà văn. Tác phẩm khắc họa sinh động phong tục tập quán và sức sống mãnh liệt của người dân Bahnar và Jrai trong chiến tranh chống Mỹ.
Ra đời năm 1999, đến nay tiểu thuyết đã được tái bản 20 lần, đạt giải Nhất cuộc thi tiểu thuyết đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam (1998 - 2000); được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007 và đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Bahnar.
“Tiễn biệt những ngày buồnvàNgõ lỗ thủngtừng được chuyển thể sangphimtruyền hình và được khán giả đón nhận. Lần này hai vợ chồng NSND Nguyễn Thanh Vân và NSND Phạm Nhuệ Giang đều là bạn thân của tôi, yêu thích các tác phẩm viết về Tây Nguyên và rất giỏi nghề nên tôi ủng hộ. Làm phim điện ảnh tốn kém, nhưng tôi hy vọng văn hóa Bahnar và Jrai sẽ được tái hiện một cách chân thực nhất”, nhà văn Trung Trung Đỉnh bày tỏ
Điểm đặc biệt trong phong cách viết của Trung Trung Đỉnh là sự kết hợp giữa ký ức cá nhân và quan sát thực tế. Ông không ghi chép chi tiết, mà chỉ viết nhật ký vắn tắt về những điều thấy được, nghe được. “Những dòng ghi lại đó, sau này đọc lại, gợi nhớ rất nhiều, chúng hữu ích không ngờ trong sáng tác”, nhà văn chia sẻ với PVVietNamNet.
Tác phẩm mới nhất của ông, truyện thiếu nhiCon thiêng của rừng,tái hiện ký ức và tri ân bạn thân người BahNar – họa sĩ Xu Man. Ông kể: “Chúng tôi thường ngồi uống rượu cần, kể nhau nghe ‘hồi ký miệng’. Ông ấy có trí nhớ phi thường, những câu chuyện từ thời tăm tối, khi người Bahnar bị bóc lột, đã tạo ấn tượng mạnh trong tôi”.
Không chỉ viết về Tây Nguyên, quê hương Hải Phòng cũng đóng vai trò quan trọng trong văn chương của Trung Trung Đỉnh. Sinh ra tại làng Sưa, bên dòng sông Hoá, ông lớn lên trong một gia đình nghèo nhưng giàu tình yêu thương.
“Không một dòng, một trang, một cuốn sách tôi viết ra mà thiếu hơi thở của làng quê ấy”, ông tâm sự. Ngôi làng nhỏ với những ký ức về người cha vẽ tranh dân gian, làm thầy đồ, người mẹ thêu thùa tảo tần đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận. Bóng dáng của làng Sưa luôn hiện hữu trong các tác phẩm của ông nhưTiễn biệt những ngày buồn, Ngược chiều cái chếthayNgõ lỗ thủng.
Trung Trung Đỉnh viết nhiều thể loại, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, thơ ca, báo chí và thậm chí là cả kịch bản và gặt hái nhiều giải thưởng. Nhưng ông nói về sự nghiệp viết lách rất khiêm nhường: “Tôi viết truyện làm thơ hay sáng tác kịch bản cũng mò mẫm tự học, nhờ bạn bè chỉ giáo và đọc sách là chính”.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh luôn quan tâm đến các thế hệ nhà văn trẻ. Khi còn là biên tập viên tại tạp chí Văn nghệ Quân đội, sau đó là Phó Tổng biên tập Báo Văn Nghệ, ông đã phát hiện và giới thiệu truyện ngắnCánh đồng bất tậncủa nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Thời đó, ấn tượng nhất với ông là cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội mà nhà văn trẻ Đỗ Bích Thúy được giải nhất ở giờ chót.
Khi phóng viên bày tỏ nỗi băn khoăn về việc nhà văn thời nay ít viết về chiến tranh so với thời trước, ông bình thản nói: “Tôi nghĩ rằng văn học có quy luật riêng, không thể nôn nóng được. Các tác phẩm lớn về chiến tranh đều viết nhiều năm sau các cuộc chiến. Mỗi thời đại có các nhà văn của thời đại mình. Bây giờ là thời đại 4.0, thời đại AI, các bạn trẻ sẽ tìm được hướng đi riêng phù hợp với mình”.
Hai "vị sếp" đặc biệt của nhà văn lão thành
Cuộc hẹn gặp giữa nhà văn Trung Trung Đỉnh vàVietNamNetliên tục bị lùi lại vì ông bận chăm vợ ốm. Lo lắng cho sức khoẻ của người thân nhưng nhà văn lão thành không khỏi áy náy, sợ làm nhỡ việc của phóng viên.
Ở tuổi U80, Trung Trung Đỉnh vẫn minh mẫn và sống lạc quan. Dù trải qua những ngày tháng chống chọi bệnh tật, thậm chí phải ghép thận gần chục năm, ông vẫn không ngừng viết và sáng tạo.
Niềm vui lớn nhất của nhà văn lão thành chính là gia đình. Con trai ông sau nhiều năm du học ngành âm nhạc tại Anh, trở về Việt Nam, sống giản dị và tự lập. “Con tự lo học hành, tự tìm việc làm dạy nhạc và tiếng Anh. Điều đó khiến tôi thấy nhẹ lòng, không phải bận tâm gì”, ông tự hào kể.
Đặc biệt, những người vợ của nhà văn cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác. “Tôi có hai bà vợ, do hoàn cảnh… Thỉnh thoảng vui, tôi hay gọi hai bà là hai vị sếp và chúng tôi có 3 người con. Tuy mỗi bà gắn bó với tôi ở những giai đoạn khác nhau, hiện sống ở căn nhà khác nhau nhưng luôn chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng tôi. Các con đều được học hành chu đáo và trưởng thành, gắn bó khăng khít và giúp đỡ nhau nên tôi vui lắm”, ông nói thêm.
“Nói như nhà thơ Nguyễn Duy là trong cuộc sống, nhất là trong Hội Nhà văn chia làm hai phái, phái vui tươi và phái hằm hằm. Tôi thuộc phái vui tươi, không để mình bị lạc lõng trong thời đại. Một vài người bạn bù khú, một vài công việc viết lách, một vài chuyến đi… thế là đủ”, nhà văn vui vẻ kết thúc cuộc trò chuyện.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh
Nhà văn Trung Trung Đỉnh (tên thật là Phạm Trung Đỉnh) sinh năm 1949 tại Hải Phòng, hiện sống ở Hà Nội. Ông tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1984. Ông từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và chiến đấu tại các địa bàn thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk. Gắn bó máu thịt với mảnh đất Tây Nguyên, hầu hết tác phẩm của ông đều mang hơi thở núi rừng, về cuộc sống, chiến đấu của đồng bào Tây Nguyên. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật và Giải thưởng Văn học ASEAN.
Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: các tiểu thuyết Lạc rừng, Lính trận, Tiễn biệt những ngày buồn, Ngược chiều cái chết; tập truyện ngắn Lời chào quá khứ; tập tản văn - bút ký Những khoảnh khắc đời người; tập tản văn - chân dung văn học Nhà văn thì phải biết đùa...
“Tôi cho rằng Suối Cọp hấp dẫn người đọc cả ở Việt Nam và nước ngoài là do tôi viết rất thật. Một nửa chữ cũng là sự thật”, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước khẳng định.
Mộc Trầm là bút danh của Đại đức Thích Đạo Quang, tu học tại chùa Từ Quang (Gia Lai). Ngay từ thuở đôi mươi, vị thầy trẻ đã khá nổi tiếng trên mạng xã hội vì có nhiều bài...
Chiếm gần 50% đề cử cho Giải thưởng Sách quốc gia 2024, sách dịch tiếp tục chứng tỏ sức hút với người Việt trong quá trình tiếp thu tinh hoa tri thức nhân loại. Dưới đây ...
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khi đọc tập thơ "Hồ Chí Minh - Người tin ở con người" thấy được chân dung Người một cách giản dị nhất, Việt Nam n...
Cuốn sách Châu Phi qua 100 câu hỏi của tác giả Stephen Smith và Jean De La Guérivière như 100 "chiếc chìa khóa" mở ra cánh cửa khám phá lịch sử, văn hóa, kinh tế,...
Nhà văn Trần Văn Tuấn 75 tuổi vẫn bền bỉ với văn chương. Người lính vượt Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, chiến sĩ của sư 5 vác pháo trên mặt trận Tây Nam có nhiều ...