Hoạ sĩ - nhà sưu tập Thuý Anh vừa giới thiệu với giới mộ điệu bộ sưu tập Hồng Sen: Paris - Hà thành mùa tháng 6, gồm 18 tác phẩm có chủ đề về hoa sen: Mùa sen (Phạm An Hải), Sen Tây Hồ (Hải Kiên), Sen hồng (Đào Liên Hương), Sen vào hạ (Bình Nhi), Mùa sen vàng…
Trước khi được giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật trong nước, bộ sưu tập Hồng Sen được nhà sưu tập lan tỏa tại Paris (Pháp), tạo điểm nhấn khó phai, góp phần tôn vinh vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam.
Tại sự kiện, các văn nghệ sĩ: Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn, nhà báo - nhà thơ Hữu Việt, Tiến sĩ ngôn ngữ - nhà thơ Đỗ Anh Vũ, nhà nghiên cứu văn hoá Trần Trọng Dương, nhà văn - hoạ sĩ Trần Thị Trường... có buổi mạn đàm nghệ thuật nhằm lan tỏa vẻ đẹp về văn hóa, con người Việt Nam thông qua mỹ thuật.
Nhà sưu tập Thuý Anh cho biết, dịch Covid-19 bùng phát nên chỉ được ngắm cảnh đẹp online và nghe những con số "đau thương" về số ca nhiễm bệnh. Tình cờ, chị xem được bức tranh sen của một hoạ sĩ tại Huế, mọi sợ hãi về bệnh tật tan biến.
“Sen là biểu tượng của tâm thiện, tâm sáng. Không chỉ màu sắc mà hương thơm loài hoa này cũng rất thanh tịnh, hướng con người tới những khát vọng nhân văn. Đó là lý do tôi muốn chia sẻ và lan tỏa ý nghĩa này đến cộng đồng”, bà Thúy Anh nói.
Vì thế, hầu hết tác phẩm sen được giới thiệu tới giới mộ điệu đều có gam màu hồng, mang đến cảm xúc an vui và lạc quan.
"Đây không chỉ là gam màu tôi yêu thích mà nó còn chứa đựng tinh thần, triết lý sống luôn hướng tới giá trị yêu thương giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, để mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn”, nhà sưu tập chia sẻ.
Theo hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, ở Việt Nam, các triển lãm tranh thường do hoạ sĩ, nhóm hoạ sĩ hay đơn vị nghệ thuật đứng ra tổ chức, ít có một nhà sưu tập khởi xướng.
"Có những buổi mạn đàm về nghệ thuật kèm trưng bày như thế này rất hiếm hoi và cần được cổ vũ, lan tỏa", ông Đoàn nói.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Trọng Dương khẳng định trong thơ văn, kiến trúc, hội họa đều có hình tượng sen. Từ mảng chạm thời Lý - Trần, đến họa tiết điêu khắc đình làng, hoa văn trên vải vóc đều mang hình dáng hoa sen. Ông Dương mong muốn trong tương lai sẽ có một công trình nghiên cứu bao quát tất cả các mô-típ trang trí sen trong nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
"Sen tượng trưng cho sự tinh khiết, không tỳ vết. Đặc tính của sen có thể gói gọn trong bốn chữ 'vô cấu, bất nhiễm', có nghĩa là thanh tịnh tuyệt đối. Chính vì vậy mà cả Phật giáo và Nho giáo đều dùng hình ảnh sen để tượng trưng cho sự thanh khiết", ông Dương nói.