Những ngày cuối năm 2024, Tiến sĩ Bích Ngọc Turner – giảng viên dạy tiếng Việt, văn hóa Việt Nam, văn học Việt Nam thời kỳ hậu chiến ở Trường Đại học Washington, thành phố Seattle, bang Washington (Mỹ) đã về thăm Việt Nam và có cuộc gặp gỡ thân mật với Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Trần Đăng Khoa, Trung tướng - nhà văn Hữu Ước cùng một số nhà văn, dịch giả tại Hà Nội. 

z6158264742920_d0d6815d32a76d27ad61cf1792b0f29f.jpg
 Từ phải qua trái: Trung tướng - nhà Văn Hữu Ước, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tiến sĩ Bích Ngọc Turner và sinh viên Ngọc Lan Turner (con gái TS Bích Ngọc Turner).

Tiến sĩ Bích Ngọc Turner thường giảng dạy các tác phẩm văn học Việt Nam như: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Nhật ký Đặng Thùy Trâm (Đặng Thùy Trâm) và một số truyện ngắn của Lê Minh Khuê…

Lần này về nước, bà muốn tiếp xúc thêm với một số tác giả có tác phẩm giá trị về chiến tranh để bổ sung thêm tài liệu giảng dạy tại Mỹ. Bà đặc biệt quan tâm đến các tác phẩm đề cập đến sự rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý (PTSD) của cựu binh và những người liên quan sau chiến tranh. Bởi trên thực tế tại trường đại học ở Mỹ mà bà đang giảng dạy, cũng như nước Mỹ nói chung có ít tác phẩm về nội dung này của tác giả Việt Nam được giới thiệu.

Tại buổi gặp gỡ, nhà văn Hữu Ước đã tặng Tiến sĩ Bích Ngọc Turner tiểu thuyết Suối Cọp phiên bản tiếng Việt (xuất bản tại Việt Nam năm 2022, tái bản 2023), tiếng Anh (xuất bản tại Mỹ năm 2024) và tiếng Thụy Điển (năm 2024).

Với văn phong chân thật, từ ngữ mạnh mẽ, Suối Cọp đã phản ánh sự khốc liệt cùng cực của chiến tranh, giúp cho bạn đọc ngày nay hình dung ra phần nào sự hy sinh to lớn của những người tham gia cuộc chiến năm xưa.

“Có những điều trong chiến tranh nếu tôi không viết ra sẽ không có ai viết. Cho dù đứng ở vị trí nào trong cuộc chiến ấy tất cả những người tham gia đều phải chịu sự tổn thương ghê gớm mà chúng ta ngày nay không sao có thể hình dung ra được. Thị trưởng thành phố Goteborg (Thụy Điển) cùng vợ đã mời tôi dùng bữa tối và nói: 'Tôi chưa bao giờ đọc tiểu thuyết chiến tranh nào hay như Suối Cọp'. Những ai từng đọc cuốn này đều không thể dừng khi bắt đầu đọc”, nhà văn Hữu Ước nói về tác phẩm.

Đó cũng chính là lý do khiến Tiến sĩ Bích Ngọc Turner quan tâm đến Suối Cọp. Bà nói sẽ đọc kỹ cuốn sách này, sau đó chia sẻ với các sinh viên Mỹ của mình.

z6158339637718_c94ad5bce48468b1c6a4369a1802e805.jpg
Trung tướng, nhà văn Hữu Ước tặng Tiến sĩ Bích Ngọc Turner cuốn tiểu thuyết "Suối Cọp".

“Tôi cho rằng Suối Cọp hấp dẫn người đọc cả ở Việt Nam và nước ngoài là do tôi viết rất thật. Một nửa chữ cũng là sự thật”, nhà văn Hữu Ước khẳng định.

“Tôi từng chiến đấu, sinh sống trong chiến trận. Hồi đó, để sống được, rất căng thẳng, có khi nửa năm không biết hạt muối mặn hay ngọt, hạt gạo tròn hay méo. Làm sao để tồn tại cho được trong hoàn cảnh khủng khiếp của chiến tranh, tôi cho rằng nhờ có ba thứ này: âm nhạc, kiếm ăn, tán gái” - nhà văn chia sẻ thêm. 

Thời gian tới, nhà văn Hữu Ước sẽ tập trung thời gian, tâm sức để đi thực tế và viết tiếp một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh Việt Nam. Trong đó, có câu chuyện về một ngôi làng hơn 8.000 dân thì có tới 4.000 người bị chết trong cuộc chiến. 

 “Tôi viết cuốn sách này để giới chính trị gia các nước phải dừng chiến tranh và ngồi lại với nhau!” – Trung tướng Hữu Ước bộc bạch.

Tiến sĩ Bích Ngọc Turner là Phó Giáo sư Giảng dạy về Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam tại Đại học Washington, Seattle (Mỹ). Bà có bằng Tiến sĩ và Thạc sĩ Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Hawaii, cùng với chứng chỉ về Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế. Với hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, bà Turner đã làm việc tại các cơ sở danh tiếng như Đại học Yale, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nữ Tiến sĩ cũng là tác giả của nhiều bài viết, truyện ngắn và tài liệu hướng dẫn ngôn ngữ. Công trình của bà tập trung vào văn học, văn hóa Việt Nam và giáo dục ngôn ngữ, thúc đẩy giao lưu văn hóa Việt - Mỹ.