Ngày 4/6 tại Hà Nội, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức hội thảo tham vấn các bên liên quan về Báo cáo quốc gia Việt Nam thực hiện Công ước 2005 của UNESCO giai đoạn 2020-2023.

W-z5506500847060_7fa6294eea2bb018e5cc6ff32764ca6e.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế. Ảnh: Tình Lê

Tiến sĩ Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho rằng, giai đoạn 2020-2023 là thời kỳ vô tiền khoáng hậu khi toàn thế giới hứng chịu đại dịch Covid-19, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, chính trong bối cảnh ấy, chưa bao giờ văn hóa được đặc biệt quan tâm đến thế. 

"Đáng chú ý nhất phải kể đến hội nghị Văn hoá toàn quốc vào tháng 11/2021 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Điểm nhấn tiếp theo là các hội thảo Thể chế, chính sách và các nguồn lực cho phát triển văn hóa năm 2022 do Quốc hội chủ trì, hội nghị toàn quốc kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam… Tất cả đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước", bà Hoà nhấn mạnh.

W-z5506500846331_2f48991a0195a5daace38315c2e62297.jpg
Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam. Ảnh: Tình Lê

Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao vai trò của Chính phủ Việt Nam trong chủ trì tạo môi trường chính sách, thúc đẩy pháp lý để đầu tư sáng tạo văn hóa. Các địa phương cũng có những hành động cụ thể để phát triển văn hóa sáng tạo, công nghiệp văn hóa. Đặc biệt gần đây, Việt Nam có hai thành phố sáng tạo mới là Đà Lạt và Hội An.

Ông Jonathan Baker cũng nêu rõ, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội luôn sẵn sàng cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong thực hiện Công ước UNESCO 2005 cũng như các lĩnh vực hợp tác liên quan giữa hai bên.

Công ước UNESCO 2005 về "Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa" là một công cụ pháp lý quốc tế trao cho các quốc gia chủ quyền ban hành các chính sách văn hóa, tăng cường hợp tác quốc tế để tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Việt Nam là quốc gia tích cực tham gia vào quá trình đàm phán, ra đời Công ước và cũng là một trong những quốc gia sớm phê chuẩn Công ước vào tháng 7/2007 ngay sau khi nó có hiệu lực.

Đến nay, Việt Nam đã hoàn thiện 3 chu kỳ báo cáo quốc gia giai đoạn 2008-2011, 2012-2015 và 2016-2019. Theo tiến độ, Việt Nam sẽ phải nộp báo cáo quốc gia định kỳ giai đoạn 2020-2023 cho UNESCO trong tháng 6/2024.

Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế nhấn mạnh, ý kiến của các đại biểu tại hội thảo về giải pháp, chính sách nhằm thực hiện Công ước UNESCO 2005 sẽ được hoàn thiện và đưa vào báo cáo trong thời gian tới.