Hấp thụ vi nhựa có thể gây ra nhiều tác động tiềm ẩn tới sức khỏe. Theo các nhà chuyên môn, vi nhựa là các hạt nhựa nhỏ hơn 5mm - thường được tìm thấy trong môi trường nước ngọt và biển, nơi chúng được các sinh vật ăn vào và sau đó được con người tiêu thụ.
Việt Nam nằm trong TOP những quốc gia "ăn" nhiều hạt vi nhựa nhất thế giới
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Science and Technology (Khoa học và Công nghệ Môi trường), các quốc gia đang công nghiệp hóa nhanh chóng như Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam dẫn đầu về mức độ hấp thụ vi nhựa trên toàn cầu. Trong đó, Malaysia xếp hạng cao nhất trong số 109 quốc gia tiêu thụ vi nhựa, các hạt nhựa với đường kính nhỏ hơn 5mm. Nghiên cứu này cũng lưu ý rằng hơn 50% lượng tiêu thụ vi nhựa của Malaysia là đến từ cá.
Tác giả của nghiên cứu Xiang Zhao, giáo sư tại Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia, Trung Quốc và đồng tác giả Fengqi You, Giáo sư Kỹ thuật Hệ thống Năng lượng tại Đại học Cornell, cho biết chính sự phát triển công nghiệp đã gây ra mức độ ô nhiễm nhựa ngày càng tăng.
Theo nghiên cứu, Malaysia cũng được ghi nhận trong số 10 quốc gia hít phải nhiều hạt vi nhựa nhất, ước tính khoảng 494.000 hạt vi nhựa mỗi ngày trên đầu người.
Các hạt vi nhựa trong chế độ ăn uống liên quan đến những chất tích tụ trong thực phẩm và sự thất thoát nguyên liệu do sử dụng nhựa trong sản xuất, chế biến và đóng gói sản phẩm cuối cùng là thực phẩm và đồ uống.
Nghiên cứu cho thấy, một trong những nguyên nhân mà con người hấp thụ hạt vi nhựa ở mức cao là do mức tiêu thụ hải sản cao. Vi hạt nhựa thường được tìm thấy trong môi trường nước ngọt và biển, sau đó được các sinh vật ăn vào và cuối cùng được con người tiêu thụ.
Nguồn vi nhựa chính trong thủy sản là chất thải nhựa chảy ra từ các bãi chôn lấp hoặc bãi rác lộ thiên không được quản lý tốt. Những hạt nhựa này có thể làm ô nhiễm hệ thống nước, sau đó được phân tán qua dòng nước hoặc truyền qua không khí và xâm nhập vào chuỗi thức ăn.
Bên cạnh hạt vi nhựa có trong hải sản thì hạt vi nhựa còn có trong không khí, chủ yếu bắt nguồn từ sự mài mòn của vật liệu nhựa, chẳng hạn như vật liệu trong lốp xe và nhựa thủy sinh. Các tác giả cho biết một nguồn chính của vi nhựa thủy sinh là chất thải nhựa chảy ra từ các bãi chôn lấp hoặc bãi thải lộ thiên không được quản lý tốt. Nguồn ô nhiễm này xâm nhập vào nước bề mặt và tạo ra vi nhựa thông qua quá trình phân hủy tự nhiên. Những hạt nhựa này có thể làm ô nhiễm hệ thống nước trong khi các hạt vi nhựa làm ô nhiễm môi trường nước ngọt và nước mặn.
Các loại hải sản bị nhiễm vi nhựa do rác thải biển, sau đó con người hấp thụ vị nhựa khi ăn chúng. Ảnh: Shutterstcok. |
Ảnh hưởng cực xấu từ hạt vi nhựa đối với sức khỏe
Thời gian qua, nhiều nghiên cứu đã công bố các bằng chứng cho thấy rác thải từ nhựa được con người đổ ra biển ngày càng nhiều, tăng theo từng năm. Theo Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển, mỗi năm có khoảng 8,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra đại dương. Hiện đại dương có khoảng 5,25 nghìn tỷ miếng rác nhựa đang cư ngụ trong nước biển. Điều đáng nói, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhất thế giới.
Cụ thể, mỗi năm nước ta thải ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa nhưng chỉ 27% số rác thải này được tái chế, tận dụng. Trong đó, có khoảng 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa bị đưa ra biển. Phần lớn còn lại sẽ bị đưa đi chôn lấp. Chính vì vậy, các chuyên gia của Greenpeace dự đoán, đến năm 2050 sẽ có khoảng 99% chim biển bản địa có rác thải nhựa trong dạ dày.
Những nghiên cứu khác cũng cho thấy, mỗi km² đại dương có chứa khoảng 4 tỷ hạt vi nhựa khiến môi trường biển đang bị ô nhiễm trầm trọng. Đó là những hạt nhựa nhỏ (khoảng 5mm) được vỡ ra từ những rác thải nhựa lớn đang trôi trong các tầng nước biển. Các hạt nhựa này có khuynh hướng hút các chất độc xung quanh. Do một số loại rác thải có mùi gần giống với thức ăn của nhiều động vật biển khiến chúng nhầm tưởng và "dùng bữa". Do đặc tính không tan và khó phân hủy nên chúng sẽ nằm lại bao tử của các sinh vật này. Cuối cùng, các chất độc này sẽ xâm nhập vào cơ thể người theo chuỗi thức ăn.
Trong thời đại hiện đại, một vấn đề môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng đó là sự xuất hiện của những hạt vi nhựa. Hạt vi nhựa đã xâm nhập vào môi trường tự nhiên, từ đại dương sâu thẳm cho đến nơi chúng ta sống hàng ngày. Trong quá trình sử dụng các vật dụng, đồ ăn thức uống và tiếp xúc với rác thải nhựa ngoài môi trường, chúng ta vô tình hấp thu hạt vi nhựa vào cơ thể.
Theo các nhà khoa học, nếu con người vô tình hấp thụ các độc tố từ hạt vi nhựa sẽ khiến cơ thể bị mất cân bằng hóc-môn, ảnh hưởng đến cấu trúc não, hô hấp, tiêu hóa và suy yếu hệ miễn dịch. Đặc biệt, nếu phụ nữ đang trong thời kỳ thai nghén mà hấp thụ quá nhiều hạt vi nhựa rất dễ dẫn đến tình trạng sảy thai. Đến thời điểm này, vẫn chưa có số liệu cụ thể xác định hàm lượng cho phép của hạt vi nhựa trong nước và thực phẩm. Tuy nhiên, ảnh hưởng cực xấu từ hạt vi nhựa đối với sức khỏe người là điều khó tránh khỏi.
Sự hiện diện của hạt vi nhựa trong nhiều môi trường và trong thực phẩm đã gây ra nhiều tác động đáng kể đến sức khỏe con người và môi trường sống. Từ việc ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, tác động đến hệ miễn dịch, hạt vi nhựa đang đặt ra những thách thức lớn trong việc bảo vệ và duy trì sức khỏe của chúng ta.
Theo TS. Timothy O'Toole (Đại học Louisville, Kentucky, Mỹ), vi nhựa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Ông cho biết: "Các nghiên cứu trước đây chỉ ra hạt vi nhựa trong một số mẫu mô gồm máu, phổi, sữa mẹ được cho là nhiễm từ thực phẩm, nguồn nước hoặc do hít phải.
Bất kể vi hạt nhựa xâm nhập vào cơ thể như thế nào, một số bằng chứng khoa học chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe.
Làm sao để hạn chế "ăn" hạt vi nhựa?
Thực tế là hạt vi nhựa tồn tại trong nhiều nguồn thực phẩm khác nhau, đặc biệt là trong cá và động vật có vỏ.
Ngoài ra, rau quả hấp thụ hạt vi nhựa qua rễ và chuyển đến thân, lá, hạt và quả, trong đó, táo và cà rốt bị ô nhiễm nhất với hơn 100.000 hạt vi nhựa mỗi gram. Nghiên cứu của Đại học Queensland (Australia) cho thấy trong 100g gạo có 3-4mg nhựa. Tuy nhiên, bạn có thể giảm 40% mức nhựa trên bằng cách vo gạo. Muối có thể chứa rất nhiều hạt vi nhựa. Một nghiên cứu năm 2023 cho thấy muối hồng Himalaya thô khai thác từ lòng đất có nhiều hạt vi nhựa nhất, tiếp theo là muối đen và muối biển. Đường cũng là thực phẩm khiến con người tiếp xúc với vi nhựa. Một lít nước đóng chai chứa trung bình 240.000 hạt nhựa từ 7 loại nhựa, bao gồm cả nhựa nano.
Để cảm thấy an tâm hơn, bạn có thể lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng từ các nhà cung cấp uy tín. Bạn không cần phải loại bỏ hoàn toàn các món ăn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm hạt vi nhựa, chỉ cần có một kế hoạch ăn uống hợp lý và duy trì lối sống lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
Ngoài ra, các phân tử nhựa có thể "rò rỉ" từ bao bì và hộp nhựa một lần vào thực phẩm. Vì vậy, hạn chế việc sử dụng bao bì một lần sẽ giúp giảm lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe trong tương lai.
Các chuyên gia đã khuyên nên uống nước từ bình thủy tinh hoặc thép không gỉ. Điều này cũng áp dụng cho các loại thực phẩm và đồ uống khác được đóng gói; Mặc quần áo làm từ vải tự nhiên, mua các sản phẩm tiêu dùng làm từ chất liệu tự nhiên; Không cho đồ nhựa trong lò vi sóng, sử dụng đồ thủy tinh chuyên dụng; Nếu có thể, hãy ăn càng nhiều thực phẩm tươi sống càng tốt, hạn chế mua đồ đã qua chế biến và siêu chế biến được bọc trong nhựa.
Các quốc gia cần có kế hoạch hành động để giảm bớt một số áp lực đối với môi trường đại dương, trong đó có hạt vi nhựa, như kế hoạch giảm phát thải, cấm túi nhựa sử dụng một lần và quản lý nguồn nước ngọt...