Khi bản đọc của Kẻ Trộm Hương được lan tỏa, nhiều người nghe rất hoan hỷ vì chất giọng trầm ấm, chuyển tải được sống động tác phẩm nổi tiếng này. Vào thời điểm Kẻ Trộm Hương trả lời báo VietNamNet, file sách nói cuốn Đường xưa mây trắng trên nền tảng YouTube của anh đã có 233.000 lượt nghe và trên 341 bình luận.

anh KeTromHuong (1).jpg
Nguyễn Bình Nguyên - Kẻ Trộm Hương với công việc chuyên môn như lồng tiếng, thuyết minh, đọc bản tin, audio book… Ảnh: Toàn Đặng

- Là người thể hiện tác phẩm nổi tiếng này, cảm xúc của bạn ra sao trước sự đón nhận của người nghe?

Đường xưa mây trắng là cuốn sách nổi tiếng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Một vị tỷ phú Ấn Độ dựa trên tình tiết của tiểu thuyết đã dựng bộ phim về cuộc đời Đức Phật thu hút đông đảo khán giả. Khi chuyển thể dưới dạng sách nói, tôi mong muốn người Việt tiếp cận với tác phẩm chính gốc do một vị thiền sư người Việt viết.

Bên cạnh đó, cuốn tiểu thuyết khá dài, nếu tiếp cận dưới hình thức truyền thống (sách giấy) cũng bị hạn chế tệp độc giả nên tôi quyết định chuyển sang dạng sách nói để mở rộng đối tượng.

Khi làm lại tác phẩm tôi đón nhận nhiều bình luận tán thưởng nên cảm thấy hạnh phúc.

- Vì sao bạn quyết định ghi âm lại tác phẩm "Đường xưa mây trắng" khi trước đó đã có một bản sách nói nổi tiếng khác của Chiếu Thành?

Bản của chú Chiếu Thành ghi âm cách nay mười mấy năm, nếu thính giả tìm nghe sách nói cuốn Đường xưa mây trắng thì không có nhiều lựa chọn. Do vậy, tôi quyết định thu âm lại, đồng thời có cách thể hiện mới hơn: chèn nhạc theo tình huống, thêm đoạn mô tả âm thanh để người nghe dễ hình dung ra khung cảnh câu chuyện diễn ra ở đâu, những gì đang xảy ra trong bối cảnh đó. Hy vọng người nghe sẽ thấy gần gũi hơn, cảm giác như chính bản thân đang sống trong hoàn cảnh đó, cảm nhận được những lời của Bụt nói với môn đồ của mình.

- Chắc cũng có người thắc mắc với cái nick “Kẻ Trộm Hương” của Bình Nguyên? 

Kẻ trộm hương là tên của một bài kinh trong Tương ưng bộ. Bài kinh Gandhatthenasuttaṃ kể về vị tu sĩ đi ngang hồ sen ngát hương nên dừng lại ngửi hương. Bấy giờ, vị thiên nhân giữ hồ sen đó hiện ra nhắc nhở việc ngửi hương như vậy cũng là hình thức của kẻ đi trộm hương. Vị tu sĩ lúc đó mới phản biện lại sao những người khác hái hoa, đào củ sen… mà ông không hiện ra nhắc. Vị thiên nhân liền nói, những người kia không có tu, ông là tu sĩ phải tinh tế hơn, phải khác. Vị tu sĩ lúc đó mới hiểu và cảm ơn vị thiên nhân.

Qua câu chuyện này tôi cảm mến cái tên “Kẻ trộm hương”, vừa thơ vừa hay. Đồng thời, khi tôi đặt tên đó cho bản thân là hàm ý trong công việc mình làm cũng dính tới phát dương Phật pháp với số đông, do chưa phải là Phật tử nên đôi khi mắc sai lầm, trái với giáo lý. Những lúc như vậy chỉ mong có một vị thiện tri thức giống như vị thiên nhân trong kinh hiện ra nhắc nhở để mình tránh sai lầm, đi đúng chánh pháp. Từ đó bản thân không bị tổn phước, không gieo rắc sai lầm cho người khác.

- Không chỉ đọc "Đường xưa mây trắng", bạn còn đọc khá nhiều tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Bạn yêu văn học và văn hóa Nam bộ xưa?

Tôi sinh ra ở Sài Gòn - vùng đất được xem như chiếc nôi của văn hóa Nam bộ. Tôi có suy nghĩ, mình sinh ra, lớn lên và hấp thụ văn hóa nơi đây, bây giờ có điều kiện và phương tiện nho nhỏ là giọng đọc thì nên làm gì đó tô điểm thêm vẻ đẹp văn hóa, trả lại cho mảnh đất này. Những ai yêu thích Kẻ Trộm Hương nghe những tác phẩm tôi đọc sẽ thêm yêu quý vùng đất, cảm mến văn hóa. Theo đó, đời sống văn hóa càng phát triển, con người càng văn minh, của cải giàu có hơn - giống như cách mình trả ơn quê hương.

Thực tế là ở Nam bộ có kho tư liệu văn hóa - nghệ thuật rất lớn, chỉ cần biết cách sử dụng đã thành công rồi!

anh KeTromHuong (2).JPG

“Nếu ứng dụng lời Phật thuyết trong ứng xử giữa người với người thì có thể đạt được nhiều thành tựu”, Nguyễn Bình Nguyên bày tỏ. Ảnh: Toàn Đặng

- Theo bạn, đọc sách, nhất là sách Phật giáo giúp ích gì?

Khi tôi đọc những sách về Phật giáo, ban đầu là đọc thụ động - có đơn vị mời đọc và trả thù lao - lâu dần nội dung sách thấm vào mình.

Đọc nhiều, ánh nhìn, nhân sinh quan đã được chuyển hóa so với thời trẻ, tư tưởng đúng đắn. Khi có hệ tư tưởng tốt, mình sẽ tập hợp được nhiều người cùng tần số để làm thêm nhiều việc hữu ích hơn.

- Khi nãy bạn có nói sẽ ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống, cụ thể như thế nào?

Tôi nghĩ những lời Phật dạy là bộ giáo dục công dân vĩ đại. Nếu ứng dụng lời Phật thuyết trong ứng xử giữa người với người thì có thể đạt được nhiều thành tựu. Ví dụ trong môi trường công việc, gia đình rất khó tránh va chạm, nếu mình thấy nhân-duyên của những ứng xử trái ý đó sẽ dễ cảm thông hơn. Khi có sự cảm thông thì căng thẳng không còn leo thang - nếu ai cũng nhẹ nhàng, dễ thương với nhau như vậy, cuộc sống tốt đẹp hơn biết mấy.

Trước đây, tôi gay gắt, nóng tính, tự trách, tự than về việc người ta đối xử với mình như vậy. Đọc sách Phật giáo, hiểu nhân duyên của mọi biểu hiện, tôi nhận ra, nếu không sửa được người khác thì tập sửa chính mình để vừa vặn với họ trong cách sống và công việc.

- Sắp tới, bạn có đọc tác phẩm Phật giáo nào khác?

Sau Đường xưa mây trắng, tôi thực hiện thêm quyển Am mây ngủ của Thiền sư Nhất Hạnh, viết về Phật hoàng Trần Nhân Tông. Để cho thính giả đỡ chán, thỉnh thoảng tôi đổi qua văn học Nam bộ của Hồ Biểu Chánh hoặc thể loại khác…

Nếu có thời gian, tôi mong muốn đọc sách của Thiền sư Nhất Hạnh vì thấy dễ hiểu, dễ ứng dụng nên cũng muốn lan tỏa hệ tư tưởng của Thầy đến với nhiều người.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/voice-talent-ke-trom-huong-ke-chuyen-doc-sach-thien-su-thich-nhat-hanh-2340045.html